Dữ liệu của hai đài thiên văn Calar Alto ở Tây Ban Nha và Palomar ở Mỹ đã tiết lộ vẻ ngoài độc đáo của hành tinh mang tên WASP-69b: Mang một chiếc đuôi dài hơn 560.000 km, tức hơn chính đường kính của nó tới 7 lần, khiến nó trông như một con rồng kỳ dị bay giữa vũ trụ.
Theo SciTech Daily, WASP-69b đã được phát hiện lần đầu cách đây một thập kỷ. Nó được biết đến như một Sao Mộc nóng, tức dạng hành tinh khí khổng lồ giống Sao Mộc của hệ Mặt Trời, nhưng lại nằm quá gần sao mẹ nên có nhiệt độ cao.
WASP-69b có một quỹ đạo bấp bênh, quay quanh sao mẹ trong thời gian chưa bằng 4 ngày trên Trái Đất.
Sao Mộc nóng vốn không phải là dạng hành tinh hiếm gặp và ít được biết đến, tuy nhiên các dữ liệu mới cho thấy nó là cái đặc biệt hơn cả.
|
Một "hành tinh có đuôi rồng" - Ảnh đồ họa: NBC NEWS
|
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal cho biết chiếc đuôi ấy chính là bầu khí quyển của hành tinh đang bị ngôi sao mẹ xé ra dần dần.
Một số hành tinh bị sao mẹ làm hỏng bầu khí quyển từng được phát hiện trước đây, thường là một cú tước bỏ khá tàn khốc, nhanh chóng.
Nhưng theo nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA - Mỹ), ngôi sao mẹ của WASP-69b không chỉ tước bỏ bầu khí quyển này bằng bức xạ năng lượng cao, mà còn làm hành động ngược lại là che chở nó.
Tác động phức tạp của gió sao này đã khiến khí trong bầu khí quyển bị tước đi dần dần, tạo nên chiếc đuôi dài theo thời gian.
Mặc dù vậy, tốc độ bốc hơi vẫn lên tới 200.000 tấn khí mỗi giây.
Bất chấp sự thật khủng khiếp về chiếc "đuôi rồng", hành tinh có khối lượng gấp 90 lần Trái Đất này không có nguy cơ mất đi toàn bộ bầu khí quyển. Các nhà khoa học dự đoán ngôi sao mẹ sẽ chết đi trước khi kịp làm điều đó.
Ngoài ra, một Sao Mộc quá nóng để sinh sống được, do đó khó có khả năng bất kỳ sinh vật nào bị ảnh hưởng bởi hành vi tước bỏ khí quyển tàn khốc của ngôi sao mẹ.
Theo Anh Thư / Người Lao Động