|
Do Tết là thời điểm khách hàng có nhu cầu di chuyển nhiều nên các mạng di động đều thực hiện rà soát, tối ưu lại các tuyến đường quốc lộ, các thủ phủ tỉnh/huyện. |
Vào dịp trước, trong và sau Tết, trên cả nước có rất nhiều lễ hội, sự kiện tập trung đông người. Thống kê năm nay có khoảng 125 sự kiện quy mô lớn, tập trung trên 10.000 người tham dự. Thêm nữa, sau một năm tạm dừng, Tết Nguyên đán năm nay lại có bắn pháo hoa rầm rộ với gần 300 điểm trên toàn quốc.
Với những đặc điểm trên, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông như gọi, nhắn tin và đặc biệt là nhu cầu dữ liệu sẽ tăng vọt và cũng được các nhà mạng tính toán và lên phương án dự phòng chống nghẽn mạng.
"Trả phố, về quê"
Viettel, mạng di động có mạng 4G lớn nhất, cho biết, sau hơn 10 tháng chính thức khai trương, mạng 4G đã chiếm 50% lưu lượng toàn mạng. Mới đây nhà mạng này tiếp tục triển khai phát sóng thêm 1.000 trạm, nâng tổng số trạm 4G lên hơn 37.000 trạm và phủ sâu rộng khắp toàn quốc.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết, những năm trước đây, nhu cầu data trên mạng xã hội chủ yếu là chia sẻ file, chia sẻ hình ảnh, video và ở từng thời điểm, có lúc tải dữ liệu xuống hoặc lên (download/upload), tuy nhiên, một hai năm lại đây, nhu cầu sử dụng livestream (tương tự truyền hình trực tiếp) phát triển mạnh mẽ và đang trở thành xu hướng mới của giới trẻ.
Ông Thắng cho rằng, do livestream là nhu cầu sử dụng Internet ở mức độ rất cao, nghĩa là việc tải lên tải xuống diễn ra đồng thời, do đó rất tốn tài nguyên và đòi hỏi nhu cầu về chất lượng và dung lượng rất lớn.
Hiện nhà mạng Viettel đang có khoảng 10 triệu thuê bao 4G. Theo Viettel, số lượng thuê bao trên vẫn thấp hơn rất nhiều so với khả năng đáp ứng của hạ tầng mạng lưới mà nhà mạng đã xây dựng.
Hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone có số lượng thuê bao 4G thấp hơn, tuy nhiên, các nhà mạng này cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, hệ thống hạ tầng mạng lưới 4G tương đối hoàn chỉnh của mình cũng đã sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng dữ liệu của người dùng, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền sắp đến.
Khá thú vị, do Tết là thời điểm khách hàng có nhu cầu di chuyển nhiều nên các mạng di động đều thực hiện rà soát, tối ưu lại các tuyến đường quốc lộ, các thủ phủ tỉnh/huyện. Theo cơ sở dữ liệu phân tích hàng năm, các tỉnh được dự đoán sẽ có lượng khách hàng di chuyển đi nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Tp.HCM.
Các tỉnh có khách hàng di chuyển đến nhiều nhất là Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, An Giang.
Các nhà mạng cho rằng, chính do sự dịch chuyển trên nên tại những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, do người dùng giảm sút hạ tầng mạng dịp Tết cũng sẽ trở nên "thông thoáng" hơn nhiều, ngược lại ở những miền quê, vùng sâu vùng xa, thường có ít người dùng dữ liệu nên dung lượng còn bị "bỏ trống" nhiều, nhưng khi Tết về, hạ tầng mạng lưới ở các địa bàn này sẽ được khai thác hiệu quả, tối đa hơn.
"Tết đầu tiên" của 4G
Để đảm bảo chất lượng mạng lưới, Viettel đã triển khai nhiều giải pháp như phát sóng trạm mới, bổ sung tài nguyên, nâng cấp dung lượng, chuẩn bị hàng trăm xe thu, phát sóng lưu động. Mỗi chiếc xe này có năng lực phục vụ tương đương với 4 trạm thu phát sóng thông thường. Cùng đó, gần 220 bộ phát wifi cũng được lắp đặt tăng cường tại các điểm trọng yếu, đông người như khu trung tâm, nhà ga, bến xe,…
Trong khi đó, nhà mạng MobiFone cũng đã thực hiện mở rộng dung lượng hệ thống mạng lõi để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu liên lạc của khách hàng. Hệ thống máy chủ của MobiFone có khả năng đáp ứng cho hơn 50 triệu bản tin nhắn trong một giờ, dự kiến đủ cho nhu cầu tăng dung lượng trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone, cho biết, trước xu thế tăng trưởng mạnh của nhu cầu sử dụng dịch vụ data, đặc biệt là sự phát triển của mạng 4G, MobiFone đã tiến hành mở rộng dung lượng các đường kết nối Internet lên khoảng 200Gbps (tăng hơn 80% so với năm 2016) đảm bảo lưu thoát lưu lượng các dịch vụ data lớn...
Theo ông Hùng, các đơn vị kỹ thuật của nhà mạng đã tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống công trình nhà trạm, đường dây thông tin đảm bảo quy chuẩn, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nguồn điện dự phòng, chủ động, sẵn sàng xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Các khu vực lễ hội trọng yếu, điểm tổ chức bắn pháo hoa vào giao thừa trên cả nước, nơi có khả năng lưu lượng thoại, tin nhắn và lưu lượng data tăng đột ngột, có thể xảy ra hiện tượng nghẽn cục bộ đã được nhà mạng này thực hiện hoàn thành công tác tối ưu hóa mạng để triển khai các phương án chống nghẽn và điều động, bố trí các xe thu phát sóng lưu động tại các vị trí này.
Nhà mạng VinaPhone thì cho biết, với hệ thống chuyển mạch, hiện nay, hệ thống của VinaPhone có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu lưu lượng phục vụ dịp Tết. Trong trường hợp có đột biến, VinaPhone sẽ chủ động điều hành các đơn vị liên quan tăng kênh kết nối để lưu thoát lưu lượng. Sẵn sàng phương án tăng dung lượng với các đối tác trong nước và nước ngoài khi cần thiết.
Theo các nhà mạng, Tết Mậu Tuất 2018 là "Tết đầu tiên" của mạng 4G nên cũng có những khác biệt. Cụ thể, do số lượng thuê bao sử dụng data không tăng quá nhiều trong khi dung lượng lại tăng gấp đôi, tức mạng lưới đáp ứng tăng gấp đôi. Chính vì vậy, cả hai hệ thống mạng 3G và 4G đều sẽ ổn định và tốt hơn rất nhiều, bởi 4G thì chưa dùng hết dung lượng, trong khi 3G lại được giảm tải đáng kể bởi một số lượng khá thuê bao 3G chuyển lên 4G.
Thùy Diệu/VnEconomy