"Lật tẩy" chiêu giả mạo ứng dụng ngành thuế, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Google News

Trong bối cảnh các thủ tục thuế ngày càng được thực hiện online, các đối tượng lừa đảo liên tục sử dụng những chiêu trò mới cực tinh vi nhằm lợi dụng sự thiếu hiểu biết và bất cẩn của người dân.

Thời gian gần đây, các cơ quan thuế liên tục cảnh báo về tình trạng giả mạo công chức thuế để lừa đảo người nộp thuế. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
(Ảnh: Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh) 
Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện trên địa bàn Thành phố xuất hiện tình trạng một số đối tượng gọi điện thoại đến người nộp thuế tự xưng là công chức thuế tại các Chi cục Thuế để đề nghị hỗ trợ cài đặt các ứng dụng của ngành Thuế trên máy tính, điện thoại di động và các thiết bị có nối mạng khác nhằm chiếm đoạt các tài khoản mạng, tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Những đối tượng lừa đảo này mời người nộp thuế làm việc, hướng dẫn kê khai miễn, giảm thuế trên điện thoại, mời tập huấn, bán tài liệu, sổ sách, cầm CCCD liên hệ cơ quan thuế để nhận tiền hoàn thuế. Nếu người nộp thuế ngại di chuyển tới cơ quan tiến hành thủ tục nộp thuế, đối tượng lừa đảo sẽ ra sức thuyết phục, dụ người nộp thuế liên hệ kỹ thuật để tải Link cài đặt phần mềm, thông báo việc sử dụng chứng từ điện tử khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP…
Một số đối tượng đã yêu cầu người nộp thuế cung cấp các nội dung bảo mật như: tài khoản truy cập ứng dụng nộp thế qua eTax Mobile, mã số thuế, căn cước công dân, Giấy phép đăng ký kinh doanh…; Giấy mời về việc cập nhật, kê khai thông tin quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và chính sách hoàn thuế Thuế thu nhập cá nhân... Thậm chí, các đối tượng còn yêu cầu người nộp thuế trước khi lên cơ quan thuế phải kê khai thông tin lên trang thuế điện tử để nhận hồ sơ điện tử. 
Trước đó, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã phát đi cảnh báo về tình trạng tương tự. Các đối tượng dùng số điện thoại và xưng là cán bộ của Cục Thuế, Chi Cục thuế yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng (App) để nhận thông tin từ cơ quan thuế.
Thủ đoạn chính của các đối tượng là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Kẻ gian giả mạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung, khiến người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp. Thậm chí, có đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là “tích hợp căn cước công dân và mã số thuế” hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID, sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ứng dụng cài đặt giả để lừa đảo doanh nghiệp và người dân bị phát hiện. (Ảnh: CAND). 
Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn (SMS) brand name của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả; giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế; giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ công và yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, sau đó đối tượng gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện hành vi lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.
Mới đây, Công an xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) về việc anh có nhận được số điện thoại xưng là nhân viên Chi cục thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử.
Đối tượng yêu cầu anh cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo". Sau khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ hơn 200 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.  
Cùng cảnh ngộ, anh V (trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được số điện thoại xưng là nhân viên Chi cục thuế Hoàng Mai yêu cầu anh vào Zalo xác thực các thông tin về công ty mới thành lập của anh để đăng tải lên Cổng dịch vụ công. Vì thấy các thông tin về công ty hoàn toàn trùng khớp, anh đã hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn của “nhân viên Chi Cục thuế”.
 Anh V tải ứng dụng do đối tượng cung cấp để đồng bộ thông tin, đăng nhập số tài khoản ngân hàng, xác thực khuôn mặt 2 lần để hoàn thành. Đến lần xác thực khuôn mặt thứ hai, anh nghi ngờ bị lừa do đã từng được tiếp cận thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này trên Cổng thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội và báo chí. Ngay lập tức, anh gọi điện đến Tổng đài của Ngân hàng anh sử dụng và yêu cầu khóa tài khoản, hạn chế được số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 phút trước khi khóa tài khoản, các đối tượng đã thực hiện 02 giao dịch, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản của anh V.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Trước tình trạng lừa đảo gia tăng, các cơ quan chức năng đã phát đi nhiều cảnh báo và khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác.
Tổng cục Thuế khuyến cáo, người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý rằng, Trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn". (Ví dụ: Trang TTĐT Tổng cục Thuế có tên miền: https://www.gdt.gov.vn)
Việc mạo danh, giả danh nêu trên là những hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức thuế, cơ quan thuế các cấp và các cơ quan chức năng để trục lợi cá nhân, lừa đảo người nộp thuế…, hành vi này đã và đang gây thiệt hại, làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cán bộ công chức thuộc cơ quan thuế.
Nhằm giúp người nộp thuế phòng tránh với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đặc biệt, trong thời điểm quyết toán thuế, Tổng cục Thuế đề nghị, các trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Tổng cục Thuế khuyến cáo, người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô
Tổng cục Thuế khẳng định, ngành Thuế đã và đang phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng để quyết liệt đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng phạm tội này.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước các tình huống. Khi nhận các cuộc điện thoại nghi ngờ là giả mạo, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin kể cả đối với thông tin có tính chất tạo áp lực đe dọa. Người nộp thuế không nên vội vàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, không làm theo hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, đường link giả mạo và cần thông báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.
Cục Thuế Hà Nội cũng khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ. Đồng thời, cảnh báo đến người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo và đề nghị người nộp thuế, khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý rằng, Trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. (Ví dụ: Trang Thông tin điện tử Cục Thuế Hà Nội có tên miền: https://www.hanoi.gdt.gov.vn)
Các trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Cục Thuế Hà Nội đã và đang phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng để quyết liệt đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng phạm tội này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước các tình huống. Khi nhận các cuộc điện thoại nghi ngờ là giả mạo, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin kể cả đối với thông tin có tính chất tạo áp lực đe dọa.
Người nộp thuế không nên vội vàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, không làm theo hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, đường link giả mạo và cần thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn. Cục Thuế Hà Nội đề nghị người nộp thuế trên địa bàn thành phố nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về thuế.
Cục Thuế Hà Nội lưu ý, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân liên hệ trực tiếp tới cơ quan thuế quản lý đơn vị hoặc gọi đến danh sách số điện thoại chính thống của Cục Thuế Hà Nội được niêm yết trên website https://hanoi.gdt.gov.vn để phản ảnh và được hỗ trợ kịp thời.
(Ảnh: Cục An toàn thông tin) 
 
Để phòng tránh lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khuyến cáo người dân, khi nhận được các giấy mời, tin nhắn... cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vàng thực hiện.
Người dân cần cẩn trọng xác minh thông tin thông qua các trang chính thống, tỉnh táo để nhận biết dấu hiệu của các trang web giả mạo. Tuyệt đối không tải về các ứng dụng lạ thông qua các trang web không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội.
Nếu nghi ngờ, phát hiện các trường hợp mạo danh công chức thuế, cơ quan thuế, người dân phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị người dân lưu ý:
- Không tải app lạ và làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu; luôn kiểm chứng qua các kênh chính thống bằng cách gọi điện thoại tới cơ quan thuế hoặc cơ quan Công an trên địa bàn. Đặc biệt, khi có nhu cầu sử dụng các ứng dụng, người dân chỉ nên tải app trên các kho ứng dụng uy tín, cụ thể là CHPlay và App Store. Đồng thời, tuyệt đối không bao giờ được cấp cho ứng dụng toàn quyền điều khiển thiết bị.
- Người dùng hệ điều hành mở như Android cần cảnh giác hơn khi cấp quyền ứng dụng lạ, cài đặt từ nguồn bên thứ 3. Trong khi đó, iPhone giới hạn ứng dụng trên AppStore, nên phần mềm độc hại khó xâm nhập hơn.
Hiện nay số người dùng bị lừa cài phần mềm giả mạo sau đó bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng ngày càng tăng cao, có người bị mất hàng chục tỷ đồng bởi hình thức lừa đảo này. Người dân cần chung tay với cơ quan Công an để nâng cao cảnh giác, lan tỏa thông tin về các dấu hiệu nhận diện, cách thức phòng tránh lừa đảo một cách nhanh, sớm nhất đến mọi người nhằm bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi lợi dụng việc ngành thuế triển khai các dịch vụ thuế điện tử, kẻ lừa đảo đã dùng các thủ đoạn công nghệ, kỹ thuật để lừa đảo đánh cắp, chiếm đoạt thông tin, tài sản của người nộp thuế. 
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội). 
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể, tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng định nghĩa vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP từ từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bi áp dụng phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Để phòng tránh lừa đảo bằng chiêu trò cài đặt App giả mạo, người nộp thuế khi nhận được các giấy mời, tin nhắn... cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vàng thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Cẩn trọng xác minh thông tin thông qua các trang chính thống, tỉnh táo để nhận biết dấu hiệu của các trang web giả mạo. Tuyệt đối không tải về các ứng dụng lạ thông qua các trang web không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội.
5 thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng
1. Các đối tượng dùng số điện thoại và xưng là cán bộ của cục thuế, chi cục thuế yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng (App) để nhận thông tin từ cơ quan thuế.
2. Kẻ gian giả mạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp.
3. Thủ đoạn giả mạo tin nhắn (SMS) brand name của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả.
4. Giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế.
5. Giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ công và yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, sau đó đối tượng gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện hành vi lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế)
 
Thiên Trang