Máy in phun tạo ra những hình ảnh và tài liệu trên giấy bằng mực in. Máy in 3D cũng vận hành theo cách tương tự nhưng sử dụng những vật liệu khác (gần như bất kỳ thứ gì dễ uốn) thay vì mực in và dựa vào thiết kế 3D để cho ra lò sản phẩm.
Nhờ những ưu điểm này, máy in 3D có thể tạo ra đủ loại vật thể 3D được sử dụng ở bất kỳ đâu, kể cả ngoài không gian.
Thậm chí, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), máy in 3D còn có thể được sử dụng để làm ra thực phẩm - một sự kết hợp mới nghe thì có vẻ... không tưởng. Chẳng hạn như máy in 3D PancakeBot có thể in ra bữa sáng theo bất kỳ hình dạng mong muốn nào của khách hàng.
Một loại máy in thức ăn khác mang tên Foodini - đang trong giai đoạn thử nghiệm - cho phép bạn "in" các món ăn bằng cách nạp các viên con nhộng chứa các nguyên liệu nấu nướng dạng bột ở đầu vào.
Chủ sở hữu 2 loại máy trên, công ty Natural Machines, hy vọng các sáng chế của họ một ngày nào đó sẽ trở nên quen thuộc trong các căn bếp giống như lò vi sóng hiện nay.
|
Máy in thức ăn 3D Foodini của hãng Natural Machines Ảnh: NATURAL MACHINES |
Công nghệ tạo ra các vật thể 3D bằng máy tính, còn được gọi là in 3D, đã xuất hiện từ năm 1981. Do bằng sáng chế chỉ được cấp cho những người tạo ra máy in 3D nên công nghệ này khá đắt đỏ và khó tiếp cận.
Sau khi bằng sáng chế công nghệ in 3D hết hạn, công nghệ này chứng kiến sự đầu tư khổng lồ trong 5-10 năm qua, dẫn đến dự báo mọi người đều có thể sở hữu một máy in như thế tại nhà.
Ngày càng có nhiều món đồ nội thất ra đời bằng phương pháp in 3D. Chẳng hạn, những vật dụng nhỏ và thông dụng như chuột máy tính, kính mắt hay ốp lưng điện thoại có thể được in 3D theo kích cỡ người dùng mong muốn.
Trong tương lai không xa, sẽ không khó để đáp ứng yêu cầu của con cái về những món đồ chơi trong mơ của chúng. Người mua chỉ cần gửi bản phác thảo thô về một món đồ chơi nào đó đến cửa hàng in 3D, sau đó chờ nhận món đồ chơi 3D qua đường hàng không.
Tại Hồng Kông, những căn hộ diện tích nhỏ hẹp đòi hỏi đồ đạc trong nhà phải có kích cỡ hợp với không gian sẵn có. Vì thế, máy in 3D được xem là giải pháp hữu hiệu. Để bắt kịp xu hướng, các nhà sản xuất đồ nội thất một ngày nào đó có thể chuyển sang in 3D đồ nội thất, cũng như tuyển dụng các nhà thiết kế, kỹ sư công nghiệp 3D.
Theo Xuân Mai/Người Lao Động