Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, số ổ rồng này nằm đu bám ở các nhành và thân của phần gần ngọn cây đại thụ, ở độ cao ước trên 40m, với số lượng lên đến cả chục cây. Dưới nắng trời mát dịu và trong vắt của buổi sáng, những cây ổ rồng treo mình và buông lá thừa sức mê hoặc tất cả những ai ngắm nhìn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (50 tuổi, ở TP Quảng Ngãi), một trong những người chuyên săn tìm các loại cây cảnh ở vùng núi đánh giá: "Ổ rồng thường sống gửi trên một số loại cây đại thụ. Tuy nhiên hàng chục năm gần đây do rừng bị tàn phá để lấy gỗ, đất sản xuất nên muốn tìm phải vào rừng sâu. Vì vậy việc nhìn thấy ổ rồng trên cây mọc tự nhiên ven đường là khá hiếm".
Theo một số tài liệu thì ổ rồng còn được gọi là ổ phượng, tên khoa học của nó là Platycerium holttumii, thuộc họ Ráng (Polypodiaceae).
Ổ rồng có thân rễ mọc bò, lá phía trên to hướng mặt lên trời, không có cuống và gân hình mắt chim, với kích thước dài khoảng 90cm và rộng 40cm. Đặc biệt lá này không bao giờ rụng mà thường sau khi già, chết khô trên cây sẽ được lớp lá mới mọc ra bao bọc và giữ lại cho mục, tạo thành chất mùn để nuôi cây mẹ.
Còn phần lá sinh sản buông thõng xuống phía dưới thành từng cặp một và chia đôi nhiều lần, với chiều dài trên 2 mét và bề mặt không có lông.
Dù không ra hoa thế nhưng với màu xanh mướt, hình dáng đẹp mà đặc biệt là phần lá phía dưới buông thõng thướt tha trông vô cùng quyến rũ, vì vậy ổ rồng luôn nổi bật trong các vườn cây, hoa cảnh nên được nhiều người ưa chuộng mua về trồng làm cảnh. Cùng với vẻ đẹp, cây ổ rồng còn có giá trị sử dụng làm thuốc chữa một số bệnh, như: bó gãy xương, phù thũng...
Theo Công Xuân/Dân Việt