Chọn giờ chơi lý tưởng
Trong mùa hè, khung giờ từ 12h trưa đến 16h có nhiệt độ cao nhất vì vậy, golf thủ nên tránh khung giờ này để không xảy ra tình trạng sốc nhiệt ảnh hưởng tới kết quả tập luyện thì đấu.
|
Chọn khung giờ lý tưởng buổi sáng hoặc chiều tối để tránh nắng nóng. |
Thay vào đó, golf thủ có thể chọn lựa khung giờ để chơi golf như chiều tối sau 16h, hoặc buổi sáng trước 8h vừa giúp vận động cơ thể, vừa tránh nắng vừa tạo ra cảm giác thoải mái trong những vòng golf. Đây cũng là khung giờ nhiệt độ chưa cao, bức xạ cũng ít, đảm bảo sức khoẻ cho các golf thủ.
Chống mất nước cho cơ thể
Nếu có lịch chơi golf trong ngày nắng nóng, golfer nên chuẩn bị các biện pháp chống nắng để đảm bảo sức khỏe. Trước tiên, golfer cần tránh tình trạng mất nước bằng cách uống nước trước khi đến sân và liên tục uống nước trong buổi chơi theo cách uống ít từng ngụm nhỏ.
|
Golfers nên tiếp nước trong suốt quá trình chơi |
Đặc biệt tránh tình trạng uống quá nhiều nước trong một lúc sẽ khiến cơ thể bị mệt mỏi, các cơ bị nhão ra, loãng máu không tốt cho quá trình tập luyện, thi đấu. Trong quá trình chơi, các golfer cũng nên bổ sung nước cho cơ thể sau mỗi 3 lỗ golf. Hạn chế uống soda, thức uống có cồn bởi chúng sẽ khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Thức uống bổ sung chất điện giải sẽ là lựa chọn thích hợp nhất đối với những người chơi golf.
Cách chống nắng tốt nhất là đội mũ
Mũ lưỡi trai hoặc mũ rộng vành sẽ là sự lựa chọn hợp lý cho golfer trong những ngày nắng nóng. Đây chính là vật dụng giúp golfer có thể tránh được những tia nắng rọi trực tiếp vào mặt, gây nên cảm giác choáng, say nắng. Không chỉ có tác dụng chống nắng, mũ cũng là một phụ kiện thời trang được các golf thủ ưa thích.
|
Trang phục phù hợp khi chơi golfe ngày nắng nóng. |
Sử dụng trang phục có tính năng chống nắng
Với đặc thù là môn thể thao ngoài trời, các trang phục như quần, áo golf được các thương hiệu chú trọng sử dụng các loại vải chống tia UV. Chính vì vậy, các golfer hãy đầu tư cho bộ trang phục chuyên dụng thời trang vừa bảo vệ người chơi trước những tia nắng gắt.
Tránh nóng bằng mọi biện pháp
Một trong những cách chống nắng hiệu quả nữa đó chính là sử dụng khăn ướt quấn cổ khi thời tiết quá khắt nghiệt để làm mát cơ thể và giữa nhiệt độ ở mức bình thường.
Dùng kem chống nắng
Trước khi ra sân, golfer nên bôi kem chống nắng để ngăn ngừa tác hại của tia UV có trong ánh sáng mặt trời tới làn da và cơ thể. Để có kết quả tốt, golf thủ nên thoa kem trước khi ra sân 30 phút. Ngoài ra, nên dặm lại kem thường xuyên nếu hoạt động dưới nắng quá lâu.
Nghỉ ngơi khi cơ thể cảm thấy mệt
Trong quá trình chơi golf nếu cảm thấy chóng mặt, có thể người chơi nên dừng lại ra sân nghỉ ngơi sau đó giải khát bằng ly nước chanh. Điều này giúp người chơi tránh được tình trạng đột quỵ, sốc nhiệt và tránh hậu quả không đáng có với sức khỏe.
Nếu thi đấu hoặc tập luyện trong điều kiện thời tiết nắng gắt, người chơi nên áp dụng những biện pháp chống nắng để tránh tình trạng sốc nhiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Mong rằng, với những chia sẻ trong bài viết này, sẽ giúp các tay golf có thể giữ gìn sức khỏe thật tốt để tiếp tục với những đam mê, chinh phục thử thách trên sân.
Nên làm gì khi bị sốc nhiệt?
Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao đột ngột, quá mức (thường trên 40 độ C) do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một thời gian dài, trong khi cơ thể chưa kịp thích nghi. Từ đó, cơ thể ra nhiều mồ hôi làm mất nước, chất điện giải gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt của thần kinh trung ương.
|
Nên nghỉ ngơi khi cơ thể cảm thấy mệt sau quá trình chơi golf |
Khi bị sốc nhiệt, cơ thể sẽ có một số biểu hiện sau: Sốt cao (39 – 40 độ C); Đau đầu, choáng váng; Buồn nôn hoặc nôn; Nóng bừng mặt; Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu.
Khi có một trong những dấu hiệu trên, golfer cần tìm ngay một nơi râm mát để ngồi nghỉ hoặc vào những tòa nhà có điều hòa, nới lỏng quần áo. Sau đó làm mát cơ thể ngay lập tức bằng cách phủ khăn mát hoặc vẩy nước mát lên người. Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.
Ngoài ra, golf thủ hãy uống nước mát, nước khoáng hoặc các loại nước ép trái cây. Trong trường hợp golfer có dấu hiệu ngất, ngừng tuần hoàn không tự thở, ho và cử động cần tiến hành hồi sinh tim phổi. Sau đó, vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện, vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt nạn nhân.
Hải Nam