|
Bộ lạc Yanomami. |
Yanomami là một trong những bộ lạc nguyên thủy, sống sâu trong rừng nhiệt đới Amazon. Đây là một nhóm sắc tộc người da đỏ, sống trong một khu rừng nhiệt đới Amazon bất khả xâm phạm, nằm giữa Venezuela và Brazil, với dân số được ước tính khoảng 35.000 người.
Họ Sống trong những ngôi nhà hình tròn được dựng lên bằng lá cọ và gỗ, người dân bộ lạc không có nhà riêng biệt và chia sẻ thức ăn cho nhau; một ngôi nhà nhỏ có thể chứa đến 40-50 người, những ngôi nhà lớn hơn có thể chứa đến 250 người.
Bộ lạc da đỏ hoang dã
Cuộc sống hàng ngày của bộ tộc Yanomami hầu như không khác mấy so với thời nguyên thủy, vẫn thu thập hoa quả, rau củ, đi săn bắt thú rừng và cá để làm thức ăn hàng ngày. Điều đặc biệt của bộ tộc này là họ dùng các loại nhựa cây độc để săn bắn, tin rằng các vị thần đã sáng tạo ra những chất độc này để cứu rỗi cuộc sống của bộ tộc.
Đàn ông của bộ tộc có thể ăn thịt những con động vật bị săn bắn bởi những chất độc mà họ sử dụng và không hề hấn gì, nhưng những khách du lịch đến đây khi ăn thịt của những con vật này đều bị trúng độc mà chết. Ngoài ra, thức ăn chính của họ cũng là cá, người dân bộ lạc bắt cá bằng cách ném cây độc vào một góc được quây sẵn, khi cá trúng độc thì nhặt về làm thức ăn.
Cả đàn ông và phụ nữ của bộ tộc kỳ dị này vẫn ăn mặc theo truyền thống, đó là ở trần và chỉ che phần cơ thể nhạy cảm bằng một mảnh vải nhỏ màu đỏ. Không chỉ vậy, họ còn trang trí cơ thể bằng các hình vẽ quái dị màu đen đỏ và cài thêm lông trên đầu. Đặc biệt, vào những dịp lễ quan trọng, người Yanomami xiên những chiếc đũa tre qua mũi, cằm hay miệng để tăng phần hấp dẫn.
Tục lệ ma chay đáng sợ
Bộ lạc nguyên thủy này có một tục lệ ma chay vô cùng đáng sợ, đó là ăn tro cốt người chết và tin rằng, việc này sẽ giúp họ giữ gìn sự đoàn kết của bộ lạc. Khi một thành viên trong bộ tộc qua đời, cả làng sẽ tập hợp lại để tham dự đám tang.
Người chết sẽ được đưa lên giàn hỏa thiêu ở một khu vực hẻo lánh cách xa ngôi làng và thiêu cho đến khi thành tro, bởi vì linh hồn người chết chỉ có thể siêu thoát và được cứu rỗi khi thân xác được hỏa thiêu. Trong khi hỏa táng, người dân trong bộ tộc sẽ bôi đen cả khuôn mặt, cùng nhau khóc và hát những bài hát buồn để tiếc thương người đã khuất.
Sau khi hỏa thiêu xong, họ bỏ xương cốt người quá cố trong quả bầu khô và cất giữ trong nhà. Một năm sau, khi đến ngày giỗ của người quá cố, họ sẽ mang số tro cốt này ra và chế biến thành nhiều món ăn, trong đó chủ yếu là ăn với chuối.
Tất cả dân làng cũng như người thân đều phải ăn, bởi họ tin rằng, chỉ có ăn tro cốt của người đã chết thì linh hồn của họ mới được cứu rỗi. Còn đối với những người thân trong gia đình, họ ăn tro của người đã khuất với mong muốn linh hồn của người chết có thể nhập vào cơ thể của họ, cho họ sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để có thể chống chọi lại những tai họa mà khu rừng tạo ra.
Nếu họ không thực hiện nghi thức này, linh hồn của người chết sẽ mãi mắc kẹt giữa giữa thế giới của người sống và thế giới của người chết.
Chết là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với người Yanomami, họ cho rằng linh hồn của người chết cần phải được bảo vệ. Họ đặc biệt quan tâm đến cái chết của các thành viên trong bộ lạc, sẽ thật là khủng khiếp và vô cùng nghiêm trọng nếu như một người nào đó chết ở trong rừng và không thể tìm thấy xác.
Đối với người Yanomami, nếu 2 người trong bộ lạc là kẻ thù của nhau, họ rất sợ hãi nếu như địch thủ của mình đe dọa sẽ không ăn tro cốt của người kia nếu như một trong hai người chết trước.
|
Đàn ông của bộ lạc Yanomami săn bắt thú rừng. |
Nơi của những cô gái khổ đau
Nghi thức trưởng thành của bộ lạc vô cùng khắc nghiệt đối với người phụ nữ. Khi bắt đầu vào tuổi dậy thì (10-12 tuổi) để chứng minh rằng mình đã trưởng thành, họ phải trải qua một số nghi thức.
Đầu tiên, cô gái sẽ bị nhốt vào một cái lồng nhỏ trong vòng 1 tháng và không được ăn trong 1 tuần đầu. Sau khi trải qua nghi thức này, những người thân của cô sẽ trả tự do cho cô bằng cách vẽ lên cơ thể cô và đưa cô đi giới thiệu với các già làng như một người phụ nữ trưởng thành. Người Yanomami tin rằng, nếu bỏ qua nghi thức này cả làng sẽ bị nhấn chìm… trong một cơn lũ .
Một điều vô cùng thú vị, mặc dù nghi thức ma chay rất phức tạp thì ngược lại, nghi thức cưới xin lại vô cùng đơn giản. Khi một người đàn ông thích một người phụ nữ trong bộ lạc, họ chỉ cần đến ngôi nhà nơi cô dâu đang sống và làm việc cho gia đình cô dâu, sau đó nếu được chấp nhận thì hai người sẽ sống chung với nhau.
Tuy nhiên, phụ nữ của bộ tộc hầu như không có quyền hạn gì. Họ thường là nạn nhân của bạo lực, lạm dụng tình dục và là nơi để đàn ông trút bỏ những bực tức vô cớ. Nếu như muốn ly dị, người phụ nữ có thể tìm một người đàn ông khác mà mình thích và ngủ lại bên cạnh anh ta. Dĩ nhiên, để giành lại vợ, người chồng cũ sẽ phải chiến đấu với người chồng mới, nhưng không được phép chiến đấu cho đến chết.
Bộ lạc Yanomami cũng có ý thức trong việc phòng tránh có con cận huyết, họ sẽ đi bắt những cô gái ở làng bên cạnh về làm vợ. Để thể hiện sức mạnh và quyền thống trị của mình, người chồng thường xuyên đánh đập vợ bằng dùi cui, dao phay, những vật sắc nhọn khiến cho vợ phải ngoan ngoãn và trung thành với bộ lạc của mình
Theo PV /Pháp luật Việt Nam