Mặc dù rất nhiều quái vật thời tiền sử đã được tìm thấy ở hệ thống sông này nhưng các nhà khoa học không hề trông đợi mình sẽ tìm được hóa thạch của một con thằn lằn đầu rắn plesiosaurs. Bởi lẽ chúng thuộc về đại dương.
Vì vậy, nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Nick Longrich từ Trường ĐH Bath (Anh) có thể hoàn toàn phá vỡ định nghĩa về thằn lằn đầu rắn, khi xác định hai mẫu vật sống trong nước ngọt ở Kem Kem chính là loài "bò sát biển" cổ dài nổi tiếng.
|
Spinosaurus và plesiosaurs - Ảnh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC BATH |
Theo Sci-News, thằn lằn đầu rắn tồn tại trên hành tinh từ 235 triệu đến 66 triệu năm trước, tức sống trong cả 3 kỷ Tam Điệp, Jura và Phấn Trắng. Hóa thạch của chúng được tìm thấy ở mọi lục địa, phổ biến nhất là Úc, châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng chưa bao giờ có mẫu vật sống trong nước ngọt nào.
Chúng có đặc điểm nổi bật là chiếc cổ dài bất thường so với thân và 4 chân phát triển như những mái chèo để phù hợp với cuộc sống dưới nước. "Quái vật hồ Loch Ness" nổi tiếng thường được mô tả giống như một con thằn lằn đầu rắn.
Trở lại với các mẫu vật tại Kem Kem, chúng gồm xương và răng của một con trưởng thành dài 3 m và xương chi trước của một con dài 1,5 m. "Đó là những thứ vụn vặt nhưng những chiếc xương riêng biệt này cho chúng ta biết rất nhiều về hệ sinh thái và động vật cổ đại trong đó" - tiến sĩ Longrich nhận định.
Xương và răng được tìm thấy rải rác ở các vùng rất xa nhau dọc hệ thống sông Kem Kem, cho thấy sinh vật này có thể đã tồn tại phổ biến trên cả hệ thống. Trong quá trình săn tìm, họ cũng tìm thấy hóa thạch của hơn một chục quái vật tiền sử khác, bao gồm "khủng long nước" Spinosaurus, một loài lưỡng cư.
Các tác giả cho biết họ vẫn không giải thích được vì sao quái vật biển này lại ở trong nước ngọt, tuy nhiên hiện tượng sinh vật biển xâm chiếm nước ngọt không phải là chưa có tiền lệ.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.
Theo Anh Thư/Người Lao Động