Theo hãng CNN, cả Dahm và Douglas đều là những người yêu thích lịch sử và là bạn lâu năm. Họ cũng là những thợ lặn đã cống hiến khoảng 25 năm cuộc đời để săn tìm và nghiên cứu xác những con tàu đắm. Trong khi nhiều xác tàu bỏ lại thì một số vẫn ở tình trạng rất tốt do tác động bảo quản của nhiệt độ lạnh giá của nước.
Thợ lặn Dahm chụp bức ảnh một con cá tuyết bơi ngang qua SS Undine, một tàu tuần dương của Đức thế kỷ 19 đã trở thành tàu chiến trong Thế chiến thứ nhất. Con tàu bị chìm ở phía nam vùng Baltic vào năm 1915. Ảnh: Jonas Dahm
Khi lặn, ông Dahm đã chụp được những bức ảnh đầy ám ảnh. Đồ nội thất còn nguyên vẹn trên tàu, các bức tranh chạm khắc chi tiết trên tường và chiếc đồng hồ của con tàu chỉ bị nứt nhẹ dưới đáy biển.
Cả Dahm và Douglas cũng dành hàng giờ để nghiền ngẫm sách, nghiên cứu lịch sử của những xác tàu. Cả hai đã kết hợp sự hoàn hảo từ tuyển tập những bức ảnh kỳ lạ của Dahm và viết ra bằng văn bản của Douglas. Tất cả được giới thiệu trong cuốn sách "Những con tàu ma trên biển Baltic" do nhà xuất bản Thụy Điển Bokförlaget Max Ström xuất bản.
Ở dưới độ sâu của biển
Biển Baltic là trung tâm của những hoạt động đi biển trong nhiều thế kỷ - từ thương mại hàng hải đến xung đột hàng hải. Vì vậy, đây sẽ là vùng biển gắn liền với lịch sử lâu dài của những con tàu đã bị sóng đánh trôi dạt nằm dưới đại dương.
Dahm đã chụp bức ảnh này về nội thất của tàu đắm, từng là cabin hành khách trên tàu Aachen, một con tàu hơi nước thế kỷ 19 bị chìm trong Thế chiến thứ nhất khi là tàu hải quân Đức. Ảnh: Jonas Dahm
Trong cuốn sách, ông Douglas đã viết có "hàng chục nghìn con tàu đắm còn nguyên vẹn" chìm dưới vùng nước sâu của biển Baltic. Và vẫn còn nhiều thứ chưa được tìm thấy.
Theo ông Douglas, bởi nhiều xác tàu vẫn còn nguyên vẹn ở Biển Baltic nên nơi đây trở thành điểm đến của "những thợ lặn tốt nhất trên thế giới".
Cả Dahm và Douglas gặp nhau lần đầu vào cuối những năm 1990 thông qua những người bạn tham gia lặn chung ở Stockholm, Thụy Điển. Ông Dahm đã lặn từ khi còn là một thiếu niên, trau dồi kỹ năng chụp ảnh dưới nước trong thời gian dài mà ông tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Ngược lại, Douglas thừa nhận anh đã tránh xa biển từ lâu.
"Tôi sợ nước nhưng những thứ đáng sợ lại thực sự hấp dẫn. Sau khi thuyết phục từ bạn bè, tôi đã thử lặn và tiếp tục các cuộc săn lùng xác tàu dưới đáy biển", ông nói.
Chụp ảnh dưới nước
Mỗi bức ảnh của ông Dahm đều có màu sắc óng ánh của đại dương. Trong cuốn sách, Douglas đã viết về cách các thợ lặn sử dụng "bóng tối để mang lại hình ảnh sắc nét cho bức ảnh".
Tàn tích của con tàu hơi nước Rumina. Ảnh: Jonas Dahm
"Mục tiêu là cân bằng ánh sáng tự nhiên từ bề mặt bằng đèn pin và tập trung ở khu vực xác tàu càng nhiều càng tốt", ông nói.
Nhiếp ảnh gia Dahm, người sử dụng máy ảnh định dạng trung bình Nikon D850 và Fujifilm GFX 100s, làm việc với các thợ lặn khác để tối đa hóa thời gian dưới biển.
"Để chụp được những bức ảnh góc rộng lớn, đôi khi chúng tôi cần hai đến ba thợ lặn làm việc cùng nhau, trong khi tôi thường có thể tự mình xử lý những bức ảnh cận cảnh", ông Dalm nhấn mạnh.
Ngoài ánh sáng, cũng có một số khó khăn khi chụp ảnh xác tàu đắm là sự lạnh lẽo và tầm nhìn đôi khi bị mờ.
Những câu chuyện chưa kể
Cả Douglas và Dahm đã lên kế hoạch đi đến những địa điểm cụ thể và chiêm ngưỡng những con tàu ở khoảng cách gần. Họ cũng nhận được lời khuyên từ ngư dân địa phương và đôi khi đi theo bước chân của những thợ lặn khác.
Đặc biệt, cả hai đều thích dành thời gian nghiên cứu lịch sử trong những cuộc khám phá mới dưới đại dương, đặc biệt là cuộc gặp gỡ ở những con tàu vô danh, không rõ câu chuyện.
Đối với Dahm, đó là một trong những xác tàu bí ẩn hơn khiến ông đặc biệt chú ý. Ông gọi con tàu là "xác tàu sứ" vì ở đây vẫn là nơi cất giữ những kho báu như đàn violin, ống đất sét và đồng hồ bỏ túi và một số mảnh làm bằng sứ.
"Chúng tôi không biết tên của con tàu, tại sao lại chìm hoặc sẽ tiếp tục trôi dạt về đâu. Tất cả những gì chúng tôi biết là con tàu chở hàng hóa có giá trị và đã không đến được đích", Dahm nói.
Cả Dahm và Douglas đều rất cẩn thận để không làm hỏng xác tàu trong quá trình khám phá. Họ cũng đam mê bảo tồn biển và sinh vật biển đồng thời tiếp cận nhiếp ảnh và nỗ lực hoàn thành cuốn sách ảnh trọn vẹn nhất.
"Trong nhiều trường hợp, những bức ảnh tượng trưng cho thảm họa - nơi con người đã tử vong ở hoàn cảnh khủng khiếp. Chúng tôi đến thăm những địa điểm này với sự tôn trọng to lớn và cũng làm điều đó để tưởng nhớ các nạn nhân cũng như kể lại câu chuyện về những gì đã xảy ra", Douglas viết trong cuốn sách.
Cuốn sách cũng được dẫn dắt bởi những bức ảnh và thông điệp đi kèm đã mang đến nhiều câu chuyện lịch sử vào cuộc sống.
"Chữ viết kèm theo hình ảnh. Chúng tôi muốn người đọc thực sự cảm nhận được những dấu ấn lịch sử - nơi những con tàu đã ngang qua đại dương nhưng chưa thể về đích", ông Douglas nói./.
Theo Hồng Nhung/ Tổ Quốc