Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin am hiểu vụ việc cho biết các nhà sản xuất chíp điện tử hàng đầu như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc. và Broadcom Inc. đã thông báo với nhân viên của họ rằng sẽ không cung cấp thiết bị cho Huawei tới khi nào có thông cáo tiếp theo.
Động thái này đã được giới quan sát lường trước, trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chiến dịch trấn áp nhằm vào Huawei vì Washington cáo buộc tập đoàn này phục vụ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh và là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng của Mỹ.
Trước đó cùng ngày, Google tuyên bố đã ngưng cấp giấy phép và cắt đứt mọi thỏa thuận chia sẻ sản phẩm với “ông lớn” công nghệ Trung Quốc Huawei. Theo hãng tin RT, công ty công nghệ Thung lũng Silicon đã cắt đứt mọi thỏa thuận kinh doanh với Huawei liên quan đến việc chuyển giao phần cứng và phần mêm.
Với quyết định này, Huawei cũng sẽ mất quyền truy cập nâng cấp hệ thống điều hành Android, và một số mẫu điện thoại thông minh sắp tới của Huawei không thể mở được ứng dụng Google, bao gồm Google Play Store và Gmail. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc vẫn có quyền tiếp cận phiên bản mở rộng của hệ điều hành Android.
Huawei nhiều lần bị Chính phủ Mỹ cáo buộc cài đặt “sân sau” trên các sản phẩm của mình, từ đó hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin được gửi và nhận trên thiết bị Huawei. Sáu cơ quan tình báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo công dân nước này không được sử dụng các thiết bị của Huawei và sau đó, sản phẩm của công ty Trung Quốc đã bị cấm sử dụng trong các căn cứ quân sự Mỹ. Huawei phủ nhận mọi cáo buộc này.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/5 đã đưa công ty Huawei và các chi nhánh vào danh sách Entity, đồng nghĩa với việc cấm công ty mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ. Danh sách đen “Entity List” của Bộ thương mại Mỹ bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ.
Lệnh cấm khẳng định tập đoạn công nghệ Huawei "liên quan đến các hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc các chính sách đối ngoại của Mỹ", đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển mạng 5G của Mỹ.
|
Huawei trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNN
|
Về phần mình, Huawei tuyên bố tập đoàn này đã dự trữ đủ số lượng chip và linh kiện quan trọng để duy trì hoạt động kinh doanh ít nhất 3 tháng nữa, đồng thời khẳng định đã lường trước cho tình huống này từ giữa năm 2018. Các quan chức Huawei tin tưởng có thể nhập khẩu chíp từ các nhà cung cấp Mỹ một khi hai nước đạt được một thỏa thuận cho cuộc chiến thương mại hiện nay.
HiSilicon, công ty sản xuất bộ vi xử lý thuộc hãng viễn thông Huawei, cũng tuyên bố sẽ sử dụng các chip dự phòng mà công ty này tự phát triển trong nhiều năm để ứng phó với các lệnh cấm của Mỹ.
Huawei trước đó cũng khẳng định "những hạn chế vô lý" của Mỹ đã xâm phạm các quyền của tập đoàn này, sau khi Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài - động thái được cho là nhằm vào Huawei.
Trong một tuyên bố, Huawei nhấn mạnh: "Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn". Huawei khẳng định "những hạn chế vô lý của Mỹ sẽ xâm phạm các quyền của Huawei và gây ra các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác".
Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ "kiên quyết bảo vệ" các công ty của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích việc hạn chế xuất khẩu liên quan các thương vụ bán công nhệ của Mỹ cho Huawei là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu".
Ông Lục Khảng nói: "Chúng tôi hối thúc Mỹ ngừng cách tiếp cận sai lầm này. Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc".
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức