Các nhà khoa học vừa phát hiện ra địa điểm được cho là vùng đất cực bắc của thế giới - một hòn đảo chưa từng được biết đến ở phía bắc ngoài khơi Greenland. Tuy nhiên, họ nhanh chóng đưa ra nhận định khiến nhiều người kinh ngạc: Hòn đảo này sắp biến mất.
Tại sao vậy?
Trong chuyến thám hiểm vào tháng 7/2021 của nhà khoa học Morten Rasch (thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch) cùng đồng nghiệp đến quốc đảo Bắc cực Greenland. Vì lỗi trên GPS mà các nhà khoa học đã đi lạc đến một hòn đảo vô danh, chưa từng được biết đến trên Trái Đất.
Hòn đảo mới này là điểm cực bắc của thế giới và bị lộ ra khi lớp băng dày bao phủ nó chuyển dịch. Nó cách Bắc Cực khoảng 700 km về phía nam, và cách Oodaaq 780 mét về phía tây bắc.
Hòn đảo nhỏ được các nhà khoa học đặt tên là "Qeqertaq Avannarleq", có nghĩa là "hòn đảo cực bắc" trong tiếng Greenlandic. Ảnh: Julian Charriere / Reuters
Đại diện của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết hòn đảo chưa được đặt tên là điểm cực bắc của Greenland và một trong những điểm cực bắc xa nhất của đất liền trên Trái Đất.
Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng họ đã đến Oodaaq, một hòn đảo được phát hiện bởi một nhóm khảo sát Đan Mạch vào năm 1978. Chỉ sau đó, khi kiểm tra vị trí chính xác, họ mới biết mình đã đặt chân đến một hòn đảo khác cách đó 780 mét về phía tây bắc.
Hòn đảo nhỏ - có chiều ngang khoảng 30 mét và vị trí cao nhất khoảng 3 mét - có chứa bùn đáy biển cũng như moraine - đất và đá do các sông băng di chuyển để lại. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ đặt tên nó là "Qeqertaq Avannarleq", có nghĩa là "hòn đảo cực bắc" trong tiếng Greenlandic.
Hòn đảo đoạn mệnh
Theo các nhà khoa học, hòn đảo Qeqertaq Avannarleq chỉ cao hơn mực nước biển từ 30 đến 60 mét, và trưởng đoàn thám hiểm Morten Rasch cho biết nó có thể là một "hòn đảo nhỏ tồn tại trong thời gian ngắn".
"Không ai biết nó sẽ tồn tại trong bao lâu. Về nguyên tắc, nó có thể biến mất ngay khi một cơn bão mạnh mới ập đến".
Chưa hết, hòn đảo nhỏ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu khi nhiệt độ toàn cầu nóng lên đã làm tan chảy các sông băng, khiến mực nước biển dâng cao ở mức báo động. "Không bao lâu, nước biển sẽ nuốt chửng nó".
Vị trí cao nhất của hòn đảo chỉ khoảng 3 mét. Ảnh: Julian Charriere / REUTERS
Việc Qeqertaq Avannarleq được phát hiện không chỉ cho thấy số phận đoản mệnh của nó mà còn có khả năng châm ngòi cho một trận chiến đang rình rập giữa các quốc gia Bắc Cực như Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch và Na Uy để giành quyền kiểm soát Bắc Cực khoảng 700 km về phía bắc và đáy biển xung quanh, quyền đánh bắt cá và các tuyến đường vận chuyển bị lộ bởi băng tan do biến đổi khí hậu.
Lãnh thổ tự trị Greenland của Đan Mạch đã gây chú ý trong những năm gần đây, đáng chú ý nhất là vào năm 2019 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn mua lãnh thổ Greenland.
Đề xuất này, được chính phủ Đan Mạch mô tả là "vô lý", đã gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao, nhưng cũng báo hiệu sự quan tâm mới của Mỹ đối với khu vực.
Một số cuộc thám hiểm của Mỹ trong khu vực Bắc Cực trong những thập kỷ gần đây đều nỗ lực đi tìm kiếm hòn đảo cực bắc của thế giới. Năm 2007, nhà thám hiểm Bắc Cực kỳ cựu người Mỹ Dennis Schmitt đã phát hiện ra một hòn đảo tương tự gần đó.
"Chúng tôi không có ý định khám phá một hòn đảo mới", nhà thám hiểm vùng cực và người đứng đầu cơ sở nghiên cứu Trạm Bắc Cực ở Greenland, Morten Rasch, nói với Reuters. "Chúng tôi chỉ đến đó để thu thập mẫu mang về nghiên cứu mà thôi".
Theo Trang Ly/Pháp luật & Bạn đọc