Khi internet phát triển, chúng ta phải chấp nhận một thực tế, chỉ với một chiếc smartphone bất cứ ai cũng có thể trở thành “nhà báo”. Nhà báo Mỹ Chris Matthews từng mô tả chúng ta đang sống trong kỷ nguyên “người người, nhà nhà đều có thể trở thành phóng viên”, bất chấp họ có tiêu chí hàng đầu khách quan và trung thực khi tác nghiệp hay không.
Hội chứng thời internet
Trước hết, việc tung các tin thất thiệt gây hoang mang cho cộng đồng thì lúc nào cũng đáng lên án. Nhưng việc tung tin giả mạo, theo kiểu thuyết âm mưu trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của đại dịch Covid-19 đã khiến cho xã hội thêm bất ổn.
Điều khá lạ, đối tượng tung tin giả, tin thất thiệt không chỉ là người kém hiểu biết, trẻ em hiếu kỳ hay những người “câu views” vì mục đích thương mại (bán hàng online) mà có cả những người có trình độ, hiểu biết, thậm chí có cả KOL (người có tầm ảnh hưởng).
|
Thời gian dịch bệnh, nhiều người đưa tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận. |
Trang Fanpage Đàm Vĩnh Hưng đã nhanh nhảu chia sẻ thông tin hai người Trung Quốc bị nhiễm virus corona đã chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nghệ sĩ Cát Phượng chia sẻ trên trang cá nhân: Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7... Tiếp đó, nghệ sĩ kêu gọi khán giả mua và dùng khẩu trang lọc khí thông minh AirPlus "cho an toàn".
Người mẫu Ngô Thanh Vân lại cập nhật trạng thái trên fanpage về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus corona, trong khi Cục Hàng không trước đó đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại.
Những cái tin như “33 người chết vì virus corona ở Bệnh viện Chợ Rẫy" hay một nam thanh niên ở Sơn Tây (Hà Nội) đăng tin Việt Nam có thuốc đặc trị virus corona là… ketamin và vài ngày tới, Việt Nam sẽ “từ thiện” 10 tấn ketamin sang Trung Quốc, rồi tin “Nhà nước Việt Nam sẽ cho máy bay phun thuốc khử trùng từ trên trời xuống trên khắp cả nước đêm nay”đã được chia sẻ nhanh với tốc độ chóng mặt trên facebook.
Xuyên biên giới
Dịch “tin giả” này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà khá nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thuyết âm mưu đó dường như được dựng lên để lợi dụng sự quan tâm rất lớn của mọi người về loại virus này để trục lợi hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức nào đó.
Một bài đăng trên Twitter có tới tận 1.000 lượt đăng lại chứa đường link dẫn tới một trang web, trong đó có chạy tít khẳng định rằng virus corona là "một loại virus đã được cấp bằng sáng chế" và Bill & Melinda Gates Foundation là "một trong số những chủ sở hữu đầu tiên." Trong khi chính Gates Foundation lại đang quyên góp 10 triệu USD để chống lại dịch bệnh hiện nay.
Phóng viên Caitlin Welsh của Mashable đã đưa tin, một bài đăng trên mạng xã hội đang được lan truyền nhanh chóng về các thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc liên quan tới virus corona, trong đó thêu dệt một số món ăn của châu Á chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát tán. Thông tin này thậm chí rất phổ biến ở Australia, cho dù sau đó nó đã bị bác bỏ nhiều lần.
Một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ dường như đã thu được một số tiền từ thiện một phần nhờ vào việc đăng tải những post gây chấn động trên Instagram về virus corona. Một báo cáo giả mạo đã được ban hành tại Australia nhằm cảnh báo người dân tránh xa các khu vực đông dân cư Trung Quốc.
Việc bị nhiễu nhiều thông tin xấu trên mạng Internet, đến nỗi Twitter đã bắt đầu ngắt các kết quả tìm kiếm để lọc các nội dung không đáng tin cậy về virus corona. Nếu bạn tìm kiếm từ khóa “coronavirus” trên Twitter, mạng xã hội này sẽ hướng dẫn bạn truy cập đến trang web của Trung tâm Phòng chống và Kết quả bệnh tật Hoa Kỳ để biết thêm về thông tin sai lệch về dịch virus corona.
Facebook đã thuê hẳn ba tổ chức nhằm giám sát nội dung của bên thứ ba và kích hoạt các cảnh báo cho người dùng khi họ nhìn thấy các thông tin sai lệch. Hãng cũng sẽ hạn chế hoặc chặn các hashtag được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch trên Instagram.
Google đã triển khai "Cảnh báo SOS" để cung cấp các nguồn thông tin đáng tin cậy cho những người tìm kiếm thông tin về virus này. Trong khi đó, YouTube, thuộc sở hữu của Google, cũng đề xuất các video từ những “nguồn tin cậy” trên mạng xã hội video của mình.
Xu hướng để trở thành một Facebooker nổi tiếng bằng cách phải chọn hình ảnh hay viết một cái gì đó thật giật gân để thu hút người đọc đang hình thành nơi phát tán những tin giả, tin không đúng sự thực trên mạng xã hội. Bất luận vô tình hay cố tình trục lợi, gây hoang mang, chia rẽ cộng đồng thì đây vẫn là vấn đề nóng của xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Người đọc thông minh
Nói về vấn đề nóng này, nhà thơ Phạm Mầu - một người thường xuyên “chơi facebook” cho rằng: “Sử dụng mạng xã hội để viết và đọc đang là xu hướng không thể cưỡng lại được của thời đại. Để hạn chế tác hại của tin giả, tin thất thiệt gây hoang mang cho xã hội thì các hãng thông tấn, các tờ báo lớn phải sớm nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc, sớm đưa tin chính thống, phản bác tin sai lệch. Trong những vụ khủng hoảng truyền thông vừa qua các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã xử lý rất yếu khi không cung cấp những thông tin kịp thời cho báo chí, thường là chậm, lúng túng ”.
“Ngoài ra, người sử dụng mạng xã hội chúng ta cũng phải tự biến mình trở thành “người đọc thông minh” khi trang bị cho mình khả năng xác định tin thật - giả. Không nên chia sẻ những tin tức mà mình chưa thực sự tin tưởng, phải có cách để tự kiểm tra những thông tin mà mình có được, đọc được”.
Nhà thơ, nhà văn hóa Phạm Mầu cho biết, kinh nghiệm cho thấy những đối tượng tung tin giả thường rất quan tâm đến việc xử lý các âm thanh, hình ảnh gây ấn tượng cho người đọc. Chỉ cần Google Images, chúng ta đã có thể tìm được nguồn của bức ảnh, để ý sẽ thấy hình ảnh có ăn nhập với bài viết hay không? Đúng với thời gian, địa điểm xẩy ra vụ việc hay không? Tác giả có sử dụng photoshop, ghép ảnh, ghép nhạc hay không?
Trong thời bùng nổ thông tin, chúng ta cũng phải tự điều chỉnh “văn hóa đọc”, để đủ sức phân biệt được nguồn tin nào đáng tin cậy, nguồn tin nào cần thêm thời gian kiểm chứng và nguồn tin nào tự mình loại ra bằng những phép thử lô-gich. Khi cần chúng ta có thể điện hỏi người dân ở khu vực đó hay những người đang công tác ở lĩnh vực đấy để kiểm định thông tin.
Với góc độ quản lý nhà nước, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Nghị định 174/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Các Sở TT&TT, cơ quan công an cần phải sớm vào cuộc để, điều tra xử lý nghiêm các cá nhân cố tình thêu dệt các tin giả. Với lý do "do nóng vội, không kiểm chứng nguồn thông tin” mà 3 nghệ sĩ nói trên mỗi người chỉ bị cơ quan quản lý xử phạt 10 triệu đồng là không đủ sức răn đe.
"Theo thông tin từ Bộ Công an, kể từ thời điểm đầu tiên xuất hiện thông tin về virus corona đến ngày 5/2, các cơ quan chức năng đã triệu tập hơn 170 người có hành vi đưa tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan đến dịch bệnh này. Đây là con số rất đáng chú ý, nếu biết tính đến ngày 11/2, Việt Nam mới có 15 người được chẩn đoán dương tính với virus corona, chưa bằng 1/10 số người bị xử phạt vì tung tin giả.
Trong số những người tung tin sai sự thật về virus corona còn có cả người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng hay Ngô Thanh Vân.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã phải bức xúc cho rằng, trong khi Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, thì tin tức giả có thể là “tác nhân” khiến đại dịch thêm trầm trọng. Những hành vi như vậy cần bị phạt nặng.
Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu, Công ty TNHH Thư viện pháp luật, hành vi đưa tin sai sự thật có thể bị xử phạt theo Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức và 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cá nhân. (Tiến Thành ghi)
Theo Nguyễn Thảo Chi/ Kinh tế Đô thị