Theo Universe Today, nhóm nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học John Hopkins (JHU APL - Mỹ) đã tìm hiểu sâu về miệng hố va chạm mang tên Corinto ở khu vực Elysium Planitia nằm gần xích đạo Sao Hỏa.
Đó là một miệng hố tương đối trẻ - 2,34 triệu năm tuổi - theo tiêu chuẩn của hành tinh đỏ, một thế giới đầy rẫy các hố va chạm lớn nhỏ.
Kích thước của nó cũng nằm ở khoảng tương đối: Đường kính 14 km và sâu 1 km.
Ngạc nhiên hơn, các phân tích mô hình cũng như dấu vết trực tiếp mà các tàu vũ trụ thu thập được từ bề mặt Sao Hỏa cho thấy cú va chạm rất mạnh này đã tạo ra tới 2 tỉ miệng hố va chạm thứ cấp.
Miệng hố va chạm thứ cấp được tạo thành khi mảnh vỡ nóng bỏng bắn ra từ vụ va chạm ban đầu rơi xuống các khu vực lân cận - cũng với một lực rất mạnh - và tạo ra các hố va chạm nhỏ hơn.
Số miệng hố thứ cấp khổng lồ và bao gồm nhiều hố to này là do kích cỡ những "mảnh vỡ" bắn ra từ Corinto có thể lên tới 10 m. Một số miệng hố thứ cấp nằm cách miệng hố ban đầu tới 1,8 km.
Bề mặt Sao Hỏa vốn không chịu tác động bởi các hiện tượng khí hậu liên tiếp, mạnh mẽ hay hệ động thực vật phong phú như Trái Đất, nên có thể giữ gần như nguyên vẹn dấu vết của các vụ va chạm qua hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm.
Nó vô tình cho chúng ta thấy một kẻ tấn công ngoài hành tinh có thể gây ra tác động mạnh mẽ như thế nào. Trái Đất có thể cũng có các hệ thống hố va chạm như thế, đang ẩn mình dưới các lớp trầm tích.
Nghiên cứu được công bố tại Hội nghị khoa học Mặt trăng và hành tinh thường niên lần thứ 55 tại Texas - Mỹ.
Theo PV/Người lao động