Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên viên tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, tâm sự, anh từng là nạn nhân trong vụ lừa đảo bằng công nghệ Deepfake (công nghệ trí tuệ nhân tạo, dùng hình ảnh, video gương mặt, giọng nói người này chồng lên người khác). Anh đã chia sẻ những bí quyết để dễ nhận diện với chiêu trò của kẻ phạm tội.
Đánh vào lòng tin
Giữa tháng 11, chị N.T.H. (47 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nhận được cuộc gọi video từ tài khoản mạng xã hội Facebook của bạn thân. Trong cuộc gọi, xuất hiện hình ảnh người bạn đi qua đi lại trong nhà, tuy nhiên không có âm thanh. Lúc này chị H. gọi lại cho người bạn này và nhận được tin nhắn với lý do mạng yếu, không gọi được.
|
Tội phạm công nghệ cao mạo danh công an gọi điện lừa đảo người dân (Ảnh: Mạng xã hội). |
Tiếp đó, chị này lại nhận được tin nhắn từ người bạn với nội dung "Tài khoản H. còn 25 triệu không, tôi mượn tí có việc được không? Chiều 15h tôi sẽ gửi lại". Vì tin tưởng, nên chị H. đã chuyển số tiền trên vào tài khoản mà người này cung cấp qua tin nhắn.
"Khi nhập số tài khoản để chuyển khoản, tài khoản này vẫn hiện tên bạn tôi. Sau khi chuyển xong, tôi gọi điện lại để xác nhận nhưng người này không bắt máy mà chỉ nhắn tin thông báo đã nhận được tiền. Đến khi người bạn thực sự của tôi báo đã bị hack (đánh cắp) tài khoản Facebook tôi mới tá hỏa biết mình bị lừa", chị này cho hay.
Cùng kịch bản trên, nhóm này đã lừa thêm hai người thân khác của chủ tài khoản bị hack là anh P.M.D. (ngụ quận 12) với số tiền 65 triệu đồng và chị V.T.L.H. (ngụ quận Bình Thạnh) 10 triệu đồng.
Ngoài sử dụng Deepfake giả mạo người thân, những kẻ lừa đảo còn ngang nhiên giả danh cơ quan chức năng, cơ quan công an,… gọi điện trực tiếp người dân, thông báo lỗi vi phạm, hoặc xác minh người liên quan đến một vụ việc nào đó rồi yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, gửi chứng minh nhân dân, căn cước công dân, bằng lái xe để xác thực.
Sau khi có đủ thông tin, nhóm này sử dụng các giấy tờ trên để vay tiền qua thông qua các ứng dụng trực tuyến. Ngoài ra, chúng còn dùng công nghệ để ghép hình ảnh, video nhạy cảm, đe dọa tống tiền người có thu nhập cao, những người nổi tiếng.
Thiếu bước kiểm chứng thông tin
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - Chuyên viên tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia - cho biết, hiện nay Deepfake có rất nhiều công cụ, mã nguồn được mở hoàn toàn miễn phí trên không gian mạng. Với những công cụ này, người dùng chỉ cần tải lên một tấm hình đã có thể tạo ra một video chuyển động.
|
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Theo anh Hiếu, lợi dụng điều này, các đối tượng đã tạo lập phần mềm sau đó bán cho tội phạm công nghệ cao, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc mua bán này diễn ra trong các hội nhóm kín trên mạng xã hội.
Các phần mềm, công cụ đang được các tội phạm quốc tế và Việt Nam sử dụng với mục đích xấu. Mặc dù không cần quá hiểu biết về công nghệ, kẻ gian vẫn có thể dùng để lừa đảo.
Đáng nói, một số công cụ có thể dùng để live trực tiếp, hai người gọi nói chuyện với nhau tuy nhiên có thể thay đổi gương mặt thậm chí cả giọng nói.
Thông thường, những kẻ lừa đảo gửi video, hoặc gọi Deepfake tới nạn nhân trong khoảng thời gian ngắn, sau đó tắt máy thông báo sóng yếu. Sau khi lấy được niềm tin sau cuộc gọi video, chúng sẽ nhắn tin vay, mượn tiền. Khi nạn nhân gửi tiền cho những người này qua số tài khoản ngân hàng, tên tài khoản cũng có thể được thay đổi tùy ý.
"Tôi cũng từng gặp một vụ lừa đảo, kẻ lừa đảo dùng tên tôi. Nhưng truy ra số tài khoản lại là giới tính nữ, ngày tháng năm sinh không phải của tôi. Khi chuyển tiền mình chỉ thấy được cái tên, người ta thường nghĩ rằng đó chính là người thân, bạn bè của mình nên mới sập bẫy", anh Hiếu chia sẻ.
Đa phần các vụ lừa đảo ở Việt Nam do người dùng quá nhanh thiếu bước kiểm chứng, đến khi mất tiền rồi mới quay lại xác minh. Người dân cần cẩn trọng quan sát, các video, cuộc gọi Deepfake thường có dấu hiệu như thời gian các cuộc gọi rất ngắn, khuôn mặt người gọi thiếu cảm xúc, khá trơ khi nói.
Tư thế người gọi trông lúng túng, không được tự nhiên, hướng đầu và cơ thể không nhất quá. Màu da trong video bất thường, không trùng với màu của khuôn mặt. Âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào trong clip, hay ngắt máy giữa chừng viện lý do sóng yếu.
Anh Hiếu khuyến cáo nếu các đối tượng giả danh cơ quan công an, lực lượng chức năng, hay có hành vi đe dọa và xúc phạm, người dân nên đến cơ quan chức năng hoặc trụ sở công an nơi mình đang sinh sống để trình báo. Còn về giả mạo người thân, bạn bè, người dân nên tắt máy gọi điện thoại thường dùng một số câu hỏi để kiểm chứng.
Theo Hoàng Hướng/Dân Trí