Các chuyên gia từ Đội bắt rắn Sunshine Coast 24/7 (Úc) đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội liên quan đến việc họ nhận được tin báo một con trăn thảm ven biển (Coastal Carpet Python) nằm bất động sau một vụ tai nạn ô tô.
"Vào một buổi sáng đầu tháng 7/2024, chúng tôi được gọi đến để giải cứu một con trăn thảm ven biển ở Burpengary (một thị trấn thuộc bang Queensland, Úc) gặp tai nạn. Thật đáng buồn khi chúng tôi đến, con trăn đã chết. Nhưng điểm bất thường là con trăn đã chết bằng cách cắn chính cơ thể của nó. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một con trăn nào tự cắn chính mình như thế này, điều đó rất hiếm" - chuyên gia thuộc Sunshine Coast Snake Catchers 24/7 cho hay.
Sau khi xem xét kỹ càng hơn, các chuyên gia bắt rắn của Úc cho biết, con trăn thảm ven biển này đã bị một số chấn thương cột sống rõ ràng từ sau vụ va chạm. Tuy nhiên, khi đó, con trăn chưa chết hẳn. Nó chỉ chết khi dùng miệng cắn chính mình. Thậm chí một số răng của nó vẫn còn cắm vào cơ thể nó.
Chuyên gia giải thích hiện tượng trăn tự cắn vào thân
Về vấn đề này, chuyên gia phân tích, điều này có nghĩa là con trăn có thể đã chết vì căng thẳng, kiệt sức và chảy máu trong, và chắc chắn nó phải rất đau đớn.
Loài trăn thảm ven biển (là một phân loài thuộc Trăn thảm Morelia spilota) không có nọc độc và không có răng nanh mà chỉ có những chiếc răng nhẵn. Con trăn này khoảng 7, 8 tuổi.
Các chuyên gia Úc chỉ ra rằng khi trăn, rắn cảm thấy đau đớn hoặc sợ hãi, phản ứng đầu tiên của chúng là cắn đối tượng hoặc vật khiến chúng đau đớn, trong đó có các bộ phận trên cơ thể gây đau.
Mặc dù cơ thể loài trăn khá cứng rắn nhưng một khi bị chấn thương cột sống, trong hầu hết các trường hợp, chúng không thể cứu được và phải được bác sĩ thú y ra yêu cầu an tử.
Một bác sĩ thú y ở Úc cho biết, do trăn, rắn không có tứ chi nên chúng thường phản ứng bằng cách cắn vào những vùng đau đớn, có thể khiến răng của chúng mắc vào da của chính mình và thậm chí gây tử vong.
Bác sĩ thú y cho biết thêm, bị ô tô đâm là một trải nghiệm đau đớn đối với con trăn, thậm chí nếu không bị nội thương thì nó cũng sẽ phải chịu rất nhiều căng thẳng về chấn thương bất ngờ này.
Liên quan đến trường hợp này, các chuyên gia một lần nữa nhận định nguyên nhân con trăn thảm ven biển tự cắn mình có thể đến chết do căng thẳng, kiệt sức và chảy máu trong.
Trăn thảm ven biển (danh pháp khoa học đầy đủ: Morelia spilota mcdowelli) thường xuất hiện dọc theo bờ biển đông bắc của Úc và ở New Guinea. Riêng tại Úc, loài trăn này phân bố rộng rãi ở phía đông bang Queensland và đông bắc bang New South Wales.
Có cơ thể dài đến 3 mét - 4 mét, trăn thảm ven biển là một trong những phân loài trăn thảm lớn nhất.
Loài trăn thảm này sống ở nhiều môi trường sống và có thể được tìm thấy khi đang quấn mình trên cành cây, cuộn mình trong bụi rậm hoặc trên mặt đất.
Thậm chí, người ta còn tìm thấy chúng ở các khoảng không trên mái nhà hoặc tường nhà, rừng nhiệt đới, rừng bạch đàn, đồng cỏ và nhiều khu vực đô thị.
Trăn thảm ven biển hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chúng chủ yếu ăn thú có túi, chuột, cáo bay, chim và đôi khi là gia cầm, chuột lang, mèo và chó nhỏ. Nếu chúng ăn phải cóc mía, chúng sẽ chết.
Theo Người đưa tin