Dữ liệu từ vệ tinh Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mới công bố khiến dư luận xôn xao khi nhìn thấy hình ảnh "rắn Mặt trời” độc đáo. "Con rắn" này được hình thành trên bề mặt ngôi sao cách Trái đất gần 150 triệu km. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những dải khí móc dính ngoằn ngoèo như những con rắn chạy quanh bề mặt Mặt trời.
Theo các chuyên gia, đây là video tua nhanh về "rắn Mặt trời" được ghi hình bằng kính viễn vọng Extreme Ultraviolet Imager (EUI) vào ngày 5/9 vừa qua. Con “rắn Mặt trời” này mất 3 giờ để “trườn” quanh bề mặt Mặt trời với tốc độ 170 km/s. Trên thực tế, "rắn Mặt trời" là dải khí hydro phun trào trong một cơn bùng nổ trên bề mặt thiên thể này.
|
Hình ảnh “rắn Mặt trời” đang gây xôn xao dư luận. |
Cụ thể, nhiệt độ cao trên bề mặt Mặt trời đồng nghĩa với việc toàn bộ lượng khí có trong khí quyển đều biến thành thể plasma. Plasma tương tác với từ trường có trên Mặt trời đã tạo ra “rắn Mặt trời”. Khí plasma xung quanh "con rắn" được hình thành trong quá trình đường sức từ di chuyển từ đầu này sang đầu khác của Mặt trời.
"Rắn Mặt trời” được giới khoa học vô cùng quan tâm vì nó bắt nguồn từ một vùng hoạt động của Mặt trời. Sau đó, nó bùng nổ và tạo ra hàng tỷ tấn plasma ra ngoài không gian.
Các chuyên gia suy đoán rất có thể “rắn Mặt Trời” là báo hiệu cho hiện tượng phun trào vật chất. Vậy nên, hình ảnh “rắn Mặt trời” có được nhờ dữ liệu của Solar Orbiter sẽ giúp giới khoa học hiểu thêm về các hoạt động của thiên thể này cũng như dự đoán các sự kiện thời tiết trong không gian có tác động đến hệ thống thông tin và định vị trên Trái đất trong tương lai.
Mời độc giả xem video: Những bức ảnh cận cảnh mặt trời nhất được công bố. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo Space, Cnet)