Hé mở siêu bí mật chế tạo vũ khí phốt pho của vua Quang Trung

Google News

Qua nhiều năm nghiên cứu công phu, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã tìm ra những bí mật trong việc chế tạo vũ khí phốt pho của thiên tài quân sự, nhà khoa học vĩ đại Quang Trung khiến kẻ thù khiếp sợ.

Sử nhà Thanh ghi lại hình ảnh hỏa cầu Tây Sơn nổ “nhanh như sấm chớp“ đã mô tả rõ ràng cách phốt pho trắng được tung vào không khí, tự bốc cháy và chứng minh rõ ràng hoả cầu của Tây Sơn là hoả cầu phốt pho. Đây mới là siêu bí mật mà quân Thanh từ thời Càn Long không hiểu vì sao hỏa cầu của Đại Việt lại khác biệt và nguy hiểm đến vậy.
He mo sieu bi mat che tao vu khi phot pho cua vua Quang Trung
 Vua Quang Trung - thiên tài quân sự, nhà khoa học vĩ đại. Tranh vẽ minh họa: Internet.
Siêu bí mật phốt pho trắng và lý do Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín tháo chạy
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, kỹ sư Vũ Đình Thanh, chuyên gia kỹ thuật của cơ quan nghiên cứu sản xuất NPO ALMAZ cho biết, cách nấu phốt pho của đồng bào ta quanh hang dơi tương đồng với cách nấu phốt pho của ông Hennig Brand, gần giống cách nấu rượu. Theo đó, người dân sẽ nấu hỗn hợp đất ở các hang dơi ngẫm đẫm phân dơi, nước tiểu dơi rồi dẫn hơi qua vòi vào trong thùng nước. Quá trình này khiến phốt pho sẽ đọng lại trong thùng nước, còn các tạp chất khác bay khỏi nước.
He mo sieu bi mat che tao vu khi phot pho cua vua Quang Trung-Hinh-2
 Vũ khí phốt pho là vũ khí quyết định của quân Tây Sơn. Hình minh họa. Nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.
Cách làm giống nhau, không cần các thiết bị hiện đại như nhiều người lầm tưởng (bằng chứng là ông Hennig Brand thực hiện từ năm 1669, tức trước cả lúc vua Quang Trung đánh quân Thanh cả hơn trăm năm), chỉ khác ở nguyên liệu đầu vào. Tại Việt Nam, phân dơi, phân chim lắng đọng chứa tới 30% phốt pho, trong khi ông Hannig Brand dùng nước tiểu người chỉ có 0,1% phốt pho.
“Điều đặc biệt, cách điều chế phốt pho của đồng bào dân tộc quanh các hang dơi cũng giống như của ông Hennig Brand, chỉ có thể cho ra phốt pho nguyên chất nên hoả cầu phốt pho của vua Quang Trung nguy hiểm không khác gì bom phốt pho ngày nay”, kỹ sư Vũ Đình Thanh khẳng định.
Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, cách thức nấu ra phốt pho dùng công nghệ đơn giản nhưng là bí mật, và chắc chắn chỉ có những người thật tâm phúc với vua Quang Trung như anh em của vua Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, danh tướng Phan Văn Lân mới được biết.
Nhưng theo những gì lịch sử ghi chép lại, có thể thấy, vua Quang Trung đã có một cải tiến nhỏ nhưng vô cùng vĩ đại với hỏa cầu. Đó là vua thay lưu huỳnh bằng phốt pho trắng. Khi lõi hỏa cầu là thuốc nổ đen nổ, tung phốt pho trắng vào không khí, phốt pho trắng lập tức tự cháy với tốc độ cực nhanh.
“Sử nhà Thanh ghi lại hình ảnh hoả cầu Tây Sơn nổ “nhanh như sấm chớp" đã mô tả rõ ràng cách phốt pho trắng được tung vào không khí, tự bốc cháy và chứng minh rõ ràng hoả cầu của Tây Sơn là hoả cầu phốt pho. Đây mới là siêu bí mật mà quân Thanh từ thời Càn Long không hiểu vì sao hỏa cầu của Đại Việt lại khác biệt và nguy hiểm đến vậy”, kỹ sư Thanh nói.
Là người người trực tiếp tham gia sản xuất tên lửa phốt pho tại châu Âu, kỹ sư Thanh tính toán, căn cứ theo mẫu hỏa cầu của Tây Sơn trong các bảo tàng, vào sức nổ của thuốc nổ đen, có thể tính toán lượng phốt pho trong hỏa cầu Tây Sơn là 0,6-0,7kg. Và khi hỏa cầu phốt pho nổ, tức quả pháo đùng chứa thuốc nổ đen trong hỏa cầu nổ sẽ đẩy phốt pho trắng nguyên chất bay vọt qua lỗ của hỏa cầu ra ngoài.
Phốt pho trắng nguyên chất vừa bay vừa tác dụng với oxy trong không khí tạo các tinh thể nhỏ siêu nhỏ màu trắng đục cực nóng bay xa tới 300m. Các tinh thể này không có động năng mạnh nhưng khi chạm vào da người lập tức đốt cháy da với nhiệt độ lên tới 2.700 độ C. Sau đó, ngay lập tức tác dụng với nước trong không khí và nước trong cơ thể người tạo axit photphoric có tính ăn mòn cao, làm tổn thương nghiêm trọng cho các mô hữu cơ dẫn đến gây bỏng cấp độ 3. Khói từ phản ứng hóa học trên có khả năng làm mù một người ngay khi tiếp xúc với mắt. Chính axit đó lại tiếp tục đốt cháy da thịt người.
“Chính vì thế, vết bỏng do phốt pho gây ra y hệt như là thò tay vào vạc dầu mà sử nhà Thanh mô tả, rất đặc trưng, không có vũ khí nào có vết bỏng như vết bỏng phốt pho”, kỹ sư Thanh khẳng định.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu cũng đồng tình với nhận định trên và cho biết, từ kinh nghiệm thực tế trong chiến tranh chống Mỹ thì thấy, khi bom phốt pho nổ, các hạt tinh thể cực nóng bay xa đến 600 – 800m rất xa, cực nóng chạm vào người gây ra vết bỏng như là thò tay vào vạc dầu, cực kỳ kinh khủng. Nếu thở phải hơi phốt pho cháy thì ngay lập tức bị phù phổi, mù mắt vô cùng nguy hiểm.
Chính vũ khí này của vua Quang Trung đã khiến cho Tôn Sỹ Nghị bị thương nghiêm trọng, phải bỏ cả ấn tín mà chạy. Quân Thanh không hiểu gì về hiệu ứng thiếu oxy, bằng mắt thường không nhìn thấy được, lại tập trung vào một chỗ tranh nhau chạy qua cầu, quân ta ném bắn hoả cầu phốt pho từ trên mình voi khiến địch vừa bị bỏng vừa bị ngạt oxy nên chết đến hàng vạn đúng như sử đã ghi.
Theo kỹ sư Thanh, có quá ít thông tin về một trận chiến quan trọng, đó là trận truy sát chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị trên sông Hồng hay là “tượng trận đốt cháy” theo cách gọi của sử nhà Thanh. Tuy nhiên, các thông tin ít ỏi từ chính sử đã đủ cho thấy, chắc chắn quân Tây Sơn dùng súng thần công đặt trên mình voi hoặc dùng pháo thăng thiên từ xa bắn được hỏa cầu phốt pho rơi rất gần Tôn Sĩ Nghị. 
Chính sử nhà Thanh ghi lại: “Ðến được bờ sông, đại binh tranh nhau vượt qua. Cầu nổi làm bằng tre và gỗ bắc ngang sông đã bị đứt chìm xuống nước, lại thêm số nhân mã bị tượng trận đốt cháy chết chồng thêm lên một tầng nữa đè cầu xuống. Người đi qua chân đạp lên xác người ở bên dưới, chỉ còn đầu trồi lên phải đến ba dặm mới qua được bờ bên kia. Quần áo giày dép đều ướt sũng, yên cương, ngựa cưỡi cũng mất cả trên cầu”.

Rõ ràng, quanh chủ tướng Tôn Sĩ Nghị còn có hàng vạn quân và quân giặc không phải tự nhiên mà chạy, chúng bỏ chạy vì gặp hoả cầu phốt pho nóng đến 2.700 độ của quân ta. Chúng không phải bị chết đuối (thời điểm đó nước sông Hồng cạn) mà là bị "tượng trận đốt cháy", tức là quân Đại Việt dùng voi chiến phóng và ném hoả cầu phốt pho, đầu nổ hỏa hổ phốt pho trộn nhựa thông tạo biển lửa như lửa từ rồng phun khiến chúng bị thiêu cháy và chết ngạt. Nhà Nguyễn tưởng là lính chết đuối vì cái chết vì thiếu oxy không khác gì chết đuối.

Trong khi đó, quân Tây Sơn dùng súng thần công đặt trên mình voi hoặc dùng pháo thăng thiên bắn hoả cầu phốt pho, voi ở vị trí cao và di chuyển nên quân ta không bị ngạt oxy và ngộ độc khí phốt pho.

Sử nhà Thanh ghi rõ: “Đại doanh ta vỡ, bị đội voi chiến đốt cháy, vì trên lưng mỗi con voi có 3-4 tên lính chít khăn đỏ, ngồi ném, tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp mọi nơi, đốt cháy cả người nữa”.    

Bí quyết của việc sử dụng voi bọc thép không khác gì đoàn quân thiết giáp ngày nay, đó là phóng pháo thăng thiên với các đầu nổ phốt pho từ xa. Chính nhờ pháo thăng thiên khi phóng không gây tiếng nổ mạnh, không có lửa đầu nòng, không bị giật lùi, voi không bị giật mình (ở khoảng cách gần hơn thì chiến binh Đại Việt ném hỏa cầu phốt pho vào giặc).

He mo sieu bi mat che tao vu khi phot pho cua vua Quang Trung-Hinh-3
 Tôn Sỹ Nghị bị thương nghiêm trọng, phải bỏ cả ấn tín mà chạy. Tranh vẽ minh họa, nguồn: Kỹ sư Vũ Đình Thanh.
“Quân Tây Sơn dùng voi truy kích nên Tôn Sĩ Nghị mới phải chặt cầu phao vì số quân hoảng loạn chạy theo. Việc Tôn Sĩ Nghị thở phải khói phốt pho là chắc chắn. Vì theo sử nhà Thanh, sau khi bại trận từ Việt Nam trở về, phải điều trị nhiều tháng. Cùng với đó, sử nhà Thanh ghi lại rất nhiều quân lính "bị bệnh hoạn” mà chết, chính là bị ngộ độc hơi phốt pho, thêm một bằng chứng rõ ràng về vũ khí phốt pho của vua Quang Trung", kỹ sư Thanh nhấn mạnh.

Kỹ sư Thanh cho rằng, trận đánh “tượng trận đốt cháy truy sát Tôn Sĩ Nghị trên sông Hồng” với hàng vạn quân thậm chí quan trọng hơn trận Ngọc Hồi gắn với Hứa Thế Hanh, Đống Đa gắn với Sầm Nghi Đống. Bài thơ xưa "hoả long nhất trận tặc phi mĩ: một trận lửa từ rồng phun ra làm tan nát giặc" chính là mô tả trận chiến quan trọng này.

Ngoài ra, kỹ sư Thanh cũng tìm thấy chi tiết kỹ thuật cực kỳ quan trọng chứng minh về cách chế tạo vũ khí phốt pho độc đáo từ sử nhà Nguyễn. Đó là “Tây Sơn dùng nhựa cây trộn với dầu mỏ chế ra loại hỏa dược cháy lâu và không thể dập tắt”.
Theo phân tích của kỹ sư Thanh, nhựa cây được trộn vào để tăng độ bám và độ cháy, đây chính là thành phần chính trong đầu nổ hỏa hổ. Khi đầu nổ vỡ tung ra, phốt pho hòa tan trong dầu mỏ gặp không khí khiến mồi hỗn hợp dầu mỏ và nhựa cây cháy không thể dập tắt được. Dầu mỏ thì thời đó đã có sẵn ở vùng biển phía nam nước ta, trong lịch sử, cả Việt Nam và Trung Quốc đều dùng dầu mỏ tự nhiên để làm đuốc.
Thiên tài quân sự, nhà khoa học vĩ đại Quang Trung
Kỹ sư Vũ Đình Thanh khẳng định, toàn bộ diễn biến trận đánh nổi tiếng Ngọc Hồi chứng minh vũ khí phốt pho được sử dụng với cường độ lớn nhất. Nhà Nguyễn dùng cuốn tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất Thống Chí bưng bít siêu vũ khí phốt pho của quân Tây Sơn bằng cách nói rằng, quân ta, các nông dân cách đó vài ngày còn đi cày ruộng dùng tấm phản để lao vào đồn địch. Nhưng thiên tài quân sự, nhà khoa học quân sự vĩ đại Quang Trung Nguyễn Huệ làm sao có thể làm việc đó.
Việc quân Tây Sơn có hơn một nửa là những nông dân mới được tuyển mộ cách chiến dịch vài ngày chứng minh rõ ràng vua Quang Trung không đặt yêu cầu sử dụng gươm đao trong chiến đấu mà là vũ khí đặc biệt phốt pho, dễ sử dụng.
He mo sieu bi mat che tao vu khi phot pho cua vua Quang Trung-Hinh-4
 "Chế tạo ra vũ khí phốt pho là một chuyện nhưng việc sử dụng vũ khí phốt pho thế nào trong chiến đấu đòi hỏi một nghệ thuật chỉ huy thiên tài", kỹ sư Thanh nhận định. Hình minh họa. 
Tất cả những điều này được chính sử nhà Thanh nhiều lần nhắc đến: “Vào giờ ngọ, quân nam bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều”. Việc này cũng được nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du mô tả “Hỏa long nhất trận tặc phi mĩ” (một trận lửa rồng tan nát giặc). Trong thư từ nói về thất bại của quân Thanh, các giáo sĩ phương Tây cũng mô tả ngắn gọn bằng từ “massacre”, tức cuộc thảm sát mà quân Thanh gặp phải.
Tuy nhiên, các sử nhà Nguyễn, vì mục đích bưng bít thông tin về vũ khí phốt pho đều mô tả là 5 vạn quân Thanh mất tinh thần chiến đấu. Sự thực không phải vậy. Đám lính chuyên nghiệp vừa dập tắt khởi nghĩa bên Đài Loan là những tên lính lì lợm nhất, sẵn sàng quyết tử vì vua Thanh, chịu chết chứ không đầu hàng. Chúng phải bỏ chạy không phải vì “mất tinh thần chiến đấu” mà là một đám thương bệnh binh bị tai biến vì vũ khí phốt pho. Sau này, vua Thanh đã trao tặng cho các tướng lĩnh nhà Thanh chết trong trận Ngọc Hồi những danh hiệu cao quý nhất.
Cùng với việc chế tạo vũ khí phốt pho, sự thể hiện của một thiên tài quân sự vua Quang Trung còn ở chiến thuật. Vua Quang Trung luôn tìm cách kích động quân giặc, nhà vua còn nhục mạ chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị là “tôn điên” để kích quân Thanh tập trung quân càng đông càng tốt vào một chỗ. Sau đó, lại tấn công vào lúc trời tối, thời điểm khả năng tập trung quân của giặc là cao nhất, để phát huy cao nhất hiệu ứng ngạt ô-xy nguy hiểm của vũ khí phốt pho.
“Chế tạo ra vũ khí phốt pho là một chuyện nhưng việc sử dụng vũ khí phốt pho thế nào trong chiến đấu đòi hỏi một nghệ thuật chỉ huy thiên tài”, kỹ sư Vũ Đình Thanh đánh giá.
Điều đặc biệt, căn cứ vào các thông tin mà sử sách ghi lại, nhất là những tuyên bố rất mạnh bạo của vua Quang Trung trong lễ duyệt binh trước trận đánh “giết vài vạn tên trong một trận” thì rất có thể hỏa cầu phốt pho cực kỳ uy lực mới được sử dụng lần đầu khi vua đánh quân Thanh. Cũng có thể, đó là vũ khí bí mật không chỉ với quân Thanh mà còn với đa số quân ta trước trận đánh.
Trước đó, có khả năng vua chỉ sử dụng hỏa hổ với đầu nổ là hỗn hợp nhựa thông và dầu mỏ trộn phốt pho. Vì chỉ hỏa cầu với lõi toàn phốt pho, với cách đánh “tổng tiến công”, hàng chục hỏa cầu nổ cùng lúc mới tạo hiệu ứng khủng khiếp khiến 5.000 quân chốc lát bị giết, chìm trong biển lửa 2.700 độ. Và Tôn Sĩ Nghị, người được vua Thanh tặng danh hiệu cao quý nhất của nhà Thanh là Nhất đẳng Mưu Dũng Công, đảm nhận chức vụ Binh bộ Thượng thư tương đương chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng phải bỏ cả ấn tín ngay lập tức rút chạy dù trong tay có cả vạn binh lính thiện chiến. Sử nhà Thanh ghi lại khi Tôn Sĩ Nghị chạy được sang bờ bên này nhìn lại thấy biển lửa khủng khiếp.
Lần đầu tiên, sau hàng nghìn năm lịch sử đối đầu với quân xâm lược phương Bắc, sau trận đánh Hoàng đế Đại Việt Quang Trung có những lời xấc xược với vua Thanh, đòi huỷ bỏ tục cống người vàng hàng năm, đòi Lưỡng Quảng và đòi gả công chúa, mà vua Thanh Càn Long chấp nhận hết. Đoàn giả vua Quang Trung sang nhà Thanh còn được cung phụng vô cùng chu đáo đã chứng minh uy lực khủng khiếp của vũ khí phốt pho.
Cũng chính vũ khí phốt pho mới khiến hàng triệu dân nhà Thanh vùng biên giới ở nam Trung Hoa hoảng vía thu dọn tài sản chạy loạn, khiến “hàng trăm dặm lặng ngắt không một bóng người”. Việc này được đề cập trong một mật chỉ vua Càn Long gửi Phúc Khang An, người được Càn Long cử tới làm tổng đốc Lưỡng Quảng nhằm mục đích “trấn định nội địa nhất đái nhân tâm” (để làm yên lòng người một dải biên giới).
Và cũng từ những căn cứ này, kỹ sư Thanh cho rằng, việc sử sách ghi việc vua Quang Trung lên kế hoạch đánh nhà Thanh là hoàn toàn có cơ sở. Nhà Thanh không có vũ khí của phương Tây, không bắn được xa hơn tầm bắn của vũ khí phốt pho. Nếu quân hai bên đụng độ nhau, quân đội nhà Thanh chắc chắn thua và vua Càn Long cùng thuộc hạ hiểu rõ điều này.
Thượng tướng Hiệu đánh giá, đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789 chính trận đánh đặt dấu mốc cho việc sử dụng vũ khí phốt pho lớn nhất trong lịch sử loài người. Sau trận đại thắng, quân ta thu được số lượng lớn khí giới của địch nhưng đồng thời vũ khí phốt pho cũng gần cạn kiệt, đó là lý do mà vua Quang Trung không thể ngay lập tức mở chiến dịch tiêu diệt Nguyễn Ánh. “Điều đó chứng minh vũ khí phốt pho là vũ khí quyết định của quân Tây Sơn”, tướng Hiệu nhấn mạnh.

Chỉ còn một điều khiến kỹ sư Vũ Đình Thanh băn khoăn, đó là sau này, việc sản xuất phốt pho của nhà Tây Sơn bị ảnh hưởng nặng nề. Việc này do vua Quang Trung không biết bản chất hoá học của phản ứng điều chế phốt pho gây nên hiện tượng hoại xương hàm, thiếu máu (người xưa gọi là huyễn vận) khiến vua Quang Trung cùng nhiều tướng tâm phúc lâm bệnh và chết cùng thời điểm nên không truyền lại đầy đủ cho đời sau bí mật chế tạo vũ khí phốt pho; hay khi lớp đất chứa phân dơi chất lượng ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa hết đi thì nhà Tây Sơn sau vua Quang Trung không thu được phốt pho chất lượng như trước nữa? “Đây là điều tôi mong muốn tiếp tục nghiên cứu và làm rõ”, kỹ sư Thanh chia sẻ.

 
Mai Loan