Hé lộ bất ngờ về nguồn gốc loài người qua hóa thạch cổ

Google News

(Kiến Thức) - Một nghiên cứu về hóa thạch người tiền sử đã cho thấy loài người tiền sử đầu tiên xuất hiện ở Balkan chứ không phải ở châu Phi như giả thuyết trước đây.

Như chúng ta đã biết, ngày nay tinh tinh là họ hàng sinh học gần nhất của con người, vậy thì tổ tiên chung xưa nhất của tinh tinh và người là loài nào, sinh sống ở đâu? Câu hỏi này là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thế giới nhân chủng học người cổ.

Theo giả thuyết hiện nay, loài người và tinh tinh đã phân nhánh cách đây khoảng 5-7 triệu năm và loài người tiền sử có mặt ở châu Phi đầu tiên. Lý thuyết 1994 của nhà nhân chủng học người cổ Yves Coppens từ nước Pháp cho rằng biến đổi khí hậu ở miền Đông Phi có vai trò quan trọng trong giả thuyết trên.

Bằng cách dùng các công nghệ hiện đại nhất để nghiên cứu hai hóa thạch loài Graecopithecus freybergi gồm một răng nanh hàm trên 7,24 triệu năm tuổi ở miền Nam Bulgaria và một hàm dưới được tìm thấy ở Pyrgos Vassilissis (Athens Hy Lạp hiện nay), một nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng loài tổ tiên chung của vượn và người đã phân nhánh sớm hơn phỏng đoán đến vài trăm ngàn năm.

He lo bat ngo ve nguon goc loai nguoi qua hoa thach co

Ảnh 1: Gương mặt được vi tính hóa của loài Graecopithecus freybergi được cho là người tiền sử đầu tiên theo nghiên cứu mới (Ảnh: Asen Ignatov) 

Công nghệ giúp các nhà nghiên cứu xác định cấu trúc bên trong các hóa thạch là chụp cắt lớp điện toán (computed tomography, hay CT Scanner).

CT Scanner là một phương pháp chụp ảnh 3D chi tiết các phần bên trong con người bằng cách ứng dụng máy quét CT tia X phân giải cao với sự hỗ trợ của máy vi tính. CT Scanner được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán y khoa ở bệnh viện (thường gọi là chụp xi ti-CT). CT Scanner hóa thạch hoạt động tương tự CT y khoa nhưng bắn ra các tia X mạnh hơn để có thể xâm nhập và “cắt lớp” hóa thạch.

He lo bat ngo ve nguon goc loai nguoi qua hoa thach co-Hinh-2
Ảnh: Một máy chụp CT hóa thạch ở trung tâm nguồn lực khủng long Rocky Mountain, Colorada (Mỹ) (Ảnh: Foxnews21) 

Các hình ảnh “giải phẫu” hóa thạch bằng CT Scanner cho thấy các chân răng nanh của loài Graecopithecus khá khít nhau. Đây là một đặc điểm của người hiện đại, người sớm và một số loài người tiền sử như Ardipithecus và Australopithecus, giáo sư Madelaine Boehme từ đại học Tuebingen cho biết.

He lo bat ngo ve nguon goc loai nguoi qua hoa thach co-Hinh-3
Ảnh 3: Răng nanh hàm trên 7,24 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Armaza gần Chirpan thuộc miền Nam Bulgaria (Ảnh: Sofia) 

Hàm dưới được đặt tên là El Graeco cũng có chân răng phụ, một đặc điểm khác cho thấy loài Graecopithecus freybergi nằm trong dòng dõi người tiền sử.

Kết quả này đã khiến các nhà khoa học ngạc nhiên vì trước đây người ta chỉ biết về người tiền sử ở châu Phi hạ Sahara.

Độ tuổi của hóa thạch cũng cho thấy Graecopithecus đã xuất hiện trước người tiền sử ở châu Phi đến vài trăm ngàn năm (loài Sahelanthropus ở Chad khoảng 6-7 triệu năm tuổi).

Bằng các phương pháp vật lý xác định niên đại trật tự trầm tích, nhóm nghiên cứu xác nhận hai hóa thạch có tuổi gần tương đương nhau, cách đây khoảng 7,24 triệu năm (hóa thạch ở Athens) và 7,175 triệu năm (hóa thạch ở Athens). Đó là thời điểm bắt đầu Messinian, giai đoạn được chấm dứt bằng việc biển Địa Trung Hải trở nên khô ráo hoàn toàn.

Dựa theo tất cả những bằng chứng trên, giáo sư nhân chủng học người cổ David Begun từ đại học Toronto, đồng tác giả nghiên cứu đưa ra suy luận "sự phân nhánh tinh tinh-người đã bắt đầu ở Địa Trung Hải".

Messinian là giai đoạn cuối cùng của thể Miocene, cách đây khoảng 7,2 - 5,3 triệu năm (tính theo khung thời gian địa chất). Thể Miocene cách đây 23,3-5,3 triệu năm là thời gian khí hậu toàn cầu ấm hơn các thể trước và sau nó. Đồng cỏ, một điểm đáng chú ý trong các hệ sinh thái chính của Miocene là nơi sinh sống của người tiền sử.

He lo bat ngo ve nguon goc loai nguoi qua hoa thach co-Hinh-4
Ảnh 4: Tranh vẽ loài Graecopithecus mới đang sinh sống trong môi trường tự nhiên ở châu Âu cách đây 7 triệu năm (Ảnh: Asen Ignatov) 

Các kết quả mới về người tiền sử này đã được công bố trong hai nghiên cứu trên tạp chí PLOS ONE, “Các đặc điểm tiềm ẩn giống hominin của loài Graecopithecus vào cuối thể Miocene ở châu Âu” và “giai đoạn Messinian và môi trường savannah của loài hominin Graecopithecus tiềm năng ở châu Âu”, theo thông cáo của đại học Toronto (Canada).

Nhóm nghiên cứu gồm các học giả quốc tế của các nước châu Âu như Pháp, Hy Lạp, Đức, Bulgaria cùng Úc và Canada do giáo sư Madelaine và một giáo sư khác ở học viện khoa học Bulgaria dẫn đầu.

He lo bat ngo ve nguon goc loai nguoi qua hoa thach co-Hinh-5
Ảnh 5: giáo sư Madelaine Boehme (phải) và nhà địa chất Philip Havlik trong một cuộc khai quật ở mỏ muối cũ gần Chirpan (Ảnh: Sofia) 
Đoàn Hiểu Linh (Theo ArchaeologyinBulgaria)