Theo tờ Space, "hào quang" này thực chất là những vòng bụi xung quanh hành tinh, khá giống vòng bụi của Sao Thổ nhưng mờ nhạt hơn rất nhiều. Đó cũng là lý do chúng chưa từng được quan sát trước đây dù các tàu vũ trụ và đài thiên văn đã cố gắng tìm hiểu.
Hình ảnh mới được phát hành bởi nhóm điều hành James Webb, kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới được phát triển và điều hành chính bởi NASA có sự hỗ trợ của các cơ quan vũ trụ châu Âu - Canada là ESA và CSA.
Sao Thiên Vương trong hình ảnh mới nhất mà James Webb ghi lại - Ảnh: NASA/ESA/CSA
Nó cho thấy Sao Thiên Vương tỏa sáng với 11/13 vành đai đã được biết trước đó khi phân tích các dữ liệu quang phổ. Một số vành đai sáng tới nỗi có phần hòa trộn vào nhau.
Trước đó, hình ảnh chụp bởi tàu Voyager 2 của NASA khi đi ngang hành tinh vào 40 năm trước cho thấy nó là một khối xanh lơ gần như trơ trụi, có vành đai nhưng rất mờ nhạt. Gần đây một đài quan sát mặt đất là Keck ở Hawaii cũng "tham chiến" nhưng hình ảnh cũng không rõ ràng hơn là mấy.
Trong hình ảnh mới, được tạo ra nhờ kết hợp dữ liệu hai bộ lọc, có thể thấy được Sao Thiên Vương sở hữu lớp chất lỏng băng giá đậm đặc gồm nước, methane và amoniac bên trên một lõi đá nhỏ.
Hiện tại đang là mùa xuân ở cực Bắc của hành tinh, với ánh sáng ban ngày nhìn thấy được ở bên phải quả cầu băng khổng lồ.
Sao Thiên Vương vốn có quỹ đạo kỳ dị nhất hệ Mặt Trời, trục bị nghiêng một góc gần 90 độ do đó trải qua các mùa khắc nghiệt, mỗi cực sẽ là ban ngày trong nhiều năm sau đó lại là ban đêm trong nhiều năm.
Hình ảnh còn sắc nét đến nỗi thấy được đặc điểm của một cơn bão trên băng ở phía trái hành tinh.
Hình ảnh trước đó từ Voyager 2 - Ảnh: NASA
James Webb cũng thành kính viễn vọng đầu tiên chụp được trực tiếp 6 trong số 27 mặt trăng của Sao Thiên Vương, vốn cũng chỉ được biết qua các dấu hiệu.
Đây là một điều thú vị bởi gần đây các mặt trăng của hành tinh này đang gây tò mò. Một nghiên cứu dẫn dầu bởi Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng John Hopkins (Mỹ) hồi tháng 3 chỉ ra rằng thứ vô tình phun trúng tàu Voyager 2 gần 40 năm trước khi bay ngang Sao Thiên Vương có thể là dòng vật chất từ đại dương ngầm của hai mặt trăng Ariel và Miranda.
Đại dương ngầm dưới băng là những thế giới sự sống tiềm năng bên ngoài cái gọi là "vùng sự sống" của hệ Mặt Trời, bởi có thể giữ được độ ấm, lỏng nhờ lớp băng bao phủ và hệ thống thủy nhiệt từ lõi.
Các cơ quan vũ trụ luôn háo hức săn đón các mặt trăng dạng này, giống như những cái từng được tìm thấy quanh Sao Mộc và Sao Thổ. Nhưng Sao Thiên Vương quá xa xôi để khám phá. Với quan sát mới này, James Webb mở ra một cánh cửa mới và các nhà khoa học khẳng định công việc còn tiếp tục.
Theo Anh Thư/Người lao động