Tìm kiếm trên YouTube với từ khóa “Lo-fi”, người dùng sẽ thấy rất nhiều video, playlist hoặc kênh chuyên phát nhạc Lo-fi với hàng triệu lượt theo dõi. Dù chỉ là âm thanh chất lượng thấp xen lẫn hiệu ứng móp méo của lỗi kỹ thuật, kiểu nhạc trầm lắng, nhẹ nhàng này đang được giới trẻ tìm và thưởng thức.
|
Hình ảnh xuất hiện trong video Lo-fi thường là các nhân vật phong cách hoạt hình. Ảnh: CollegeMusic/YouTube.
|
Hàng triệu người thưởng thức nhạc Lo-fi
Viết tắt của low fidelity (độ trung thực thấp), Lo-fi là những bản nhạc không lời, chứa tạp âm như tiếng giấy sột soạt hoặc nhiễu của băng đĩa - các hiệu ứng bị coi là lỗi kỹ thuật. Chúng được kết hợp có chủ đích, mang đến cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng. Đó là lý do người ta còn gọi Lo-fi là nhạc dành cho những "kẻ mộng mơ".
Trong video Lo-fi, hình ảnh được sử dụng thường là ảnh tĩnh phong cách nhẹ nhàng, ảnh động của nhân vật hoạt hình đang ngồi học hoặc những đoạn phim anime được cắt ghép.
Trên các kênh YouTube như ChillHop hay DreamyCow, những video Lo-fi thu hút hàng triệu lượt xem, trong khi các buổi livestream kéo dài nhiều năm luôn có hàng chục nghìn người theo dõi.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, càng nhiều người tìm đến nhạc Lo-fi để được thư giãn. Tên của video còn chứa ngữ cảnh như "late night vibe", "music for study" hay "music for relax" khiến giai điệu trầm lắng của Lo-fi trở thành lựa chọn cho người có cảm giác ấy.
"Khi ở nhà, nhiều người sẵn sàng khám phá các nội dung chưa bao giờ thấy trên YouTube. Video Lo-fi là cách 'giết thời gian' hoàn hảo, giúp mọi người trên thế giới tìm thấy nhau", Nick Stafford, chủ kênh YouTube Lo-fi tên Nickolass chia sẻ.
ChilledCow cũng là kênh phát nhạc Lo-fi phổ biến với hơn 7,1 triệu lượt đăng ký. Livestream với hình ảnh cô gái ngồi làm bài tập trên nền nhạc Lo-fi từng là video trực tiếp dài nhất trong lịch sử YouTube, với 13.000 giờ phát và 218 triệu lượt xem trước khi bị khóa do nhầm lẫn hồi tháng 2. Kênh này đã tạo một livestream mới và vẫn phát sau 10 tháng.
|
Nhạc Lo-fi được nhận xét giúp người nghe tập trung học tập, làm việc. Ảnh: The Science Survey.
|
Lo-fi giúp người nghe tập trung, bớt căng thẳng
Bất cứ ai lần đầu nghe nhạc Lo-fi sẽ có cảm giác thân thuộc. “Dường như đây là nơi tôi thuộc về”, Toni Blackman, đại sứ hip hop đầu tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ.
Người nghe nhạc Lo-fi sẽ dễ dàng nhận ra chúng thường chứa âm hưởng của thể loại hip hop, soul và jazz. Những năm 1960-2010, các ca khúc lọt top 100 Billboard Mỹ ảnh hưởng nhất đến thể loại nhạc pop phần lớn là hip hop.
Raphael Travis Jr., nhà nghiên cứu công tác xã hội tại Đại học Texas từng nhận xét giai điệu hip hop cũng là giai điệu của xã hội đương đại.
Hầu hết nhạc Lo-fi còn chứa âm thanh của boom bap - phong cách hip hop xuất hiện từ những năm 1980 và vẫn còn phổ biến đến ngày nay. Đó là lý do Lo-fi mang đến cảm giác thân thuộc với nhiều thế hệ dù mới nghe lần đầu.
Ngoài cảm giác quen thuộc, các chuyên gia cho rằng sức hút của nhạc Lo-fi còn đến từ tác động của chúng lên não bộ, giúp con người tập trung hơn. Theo Blackman, phong cách hip hop được sử dụng trong nhạc Lo-fi là chất liệu giúp người nghe tập trung học tập, làm việc.
Những bản nhạc không lời xen lẫn hiệu ứng lỗi kỹ thuật, giai điệu không quá chậm cũng không quá nhanh đủ khiến người nghe tránh phân tâm hoặc buồn ngủ. Thay vào đó, chúng kích thích để não bộ điều chỉnh căng thẳng, làm việc hiệu quả.
|
Những kênh phát nhạc Lo-fi thu hút hàng triệu lượt đăng ký.
|
Nhạc Lo-fi còn được ưa chuộng bởi các nhà trị liệu. Michael Viega, nhà trị liệu âm nhạc tại Đại học Montclair thường sử dụng nhạc Lo-fi để xoa dịu căng thẳng bằng cách cho bệnh nhân nghe những âm thanh quen thuộc. Nếu bệnh nhân là đứa trẻ sống ở thành thị, Viega sẽ thu những âm thanh ồn ào của phố xá rồi phối khí, thêm giai điệu. Khi được phát, chúng sẽ giúp đứa trẻ bớt căng thẳng.
"Thưởng thức giai điệu quen thuộc được sắp xếp theo cách mới có thể khiến người nghe bớt lo lắng. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Lo-fi được ưa chuộng bởi nó giúp người nghe bớt lo sợ trước sự bấp bênh", Travis chia sẻ.
Giai điệu lặp lại của nhạc Lo-fi còn giúp người nghe được thư giãn. Victor Szabo, giáo sư âm nhạc đang viết một cuốn sách về Lo-fi, giải thích rằng sự lặp lại khiến Lo-fi có thể được đoán trước, tạo cảm giác thoải mái cho người nghe.
"Bộ não sẽ dễ dàng dự đoán phần tiếp theo của bản nhạc, giúp người nghe chuyển tập trung sang những thứ khác", Szabo cho biết.
|
Nhạc Lo-fi "bao bọc bạn trong thứ âm thanh nhẹ nhàng dễ đoán". Ảnh: ChilledCow/YouTube.
|
Sự nhạt nhẽo là chất liệu quan trọng
Trong khi các nhà phê bình nhận xét Lo-fi là "thứ âm nhạc đơn điệu", nhiều nhà khoa học khẳng định sự nhạt nhẽo ấy chính là chất liệu quan trọng của Lo-fi.
Các nghiên cứu độc lập đã chứng minh nhạc Lo-fi làm tăng hiệu quả học tập, làm việc. Một cuộc khảo sát cho thấy 86% người tham gia cho biết năng suất làm việc của họ tốt hơn nhờ nghe nhạc Lo-fi.
Theo Inc, nhạc Lo-fi "bao bọc bạn trong thứ âm thanh nhẹ nhàng dễ đoán, bao bọc tâm trí bạn khỏi thế giới bên ngoài khắc nghiệt và khó lường. Điều đó giúp người nghe thư giãn và tập trung, làm được nhiều việc hơn".
Theo Zingnews