|
Làm việc, sử dụng thiết bị mọi nơi cho công việc trở thành một thói quen từ vài năm qua. Ảnh: EPA.
|
Làm việc kết hợp (hybrid working) đang trở thành xu hướng làm việc của tương lai. Năm 2022, khảo sát của Cisco cho thấy hơn 70% người được hỏi tại Việt Nam tin rằng hình thức làm việc kết hợp mang đến cơ hội cải thiện sức khỏe của nhân viên và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Đây cũng là một từ khóa được các lãnh đạo của HP tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhắc đến trong HP Vietnam Day 2023.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam và thị trường mới nổi châu Á cho biết hầu hết công ty đang nỗ lực áp dụng mô hình làm việc kết hợp một cách rộng rãi, mang lại thách thức về công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.
"Tất cả chúng ta đều đang trải nghiệm mô hình làm việc kết hợp. Nó không chỉ là làm việc ở nhà, văn phòng hay môi trường khác như quán cafe, mà còn là những khoảng chuyển đổi giữa những địa điểm này", ông David Tan, Giám đốc điều hành HP Khu vực Đông Nam Á giải thích.
Theo ông Tan, HP là một trong những công ty có đủ các giải pháp cho những môi trường này, giúp việc chuyển đổi giữa các không gian làm việc không còn gây khó chịu.
Các môi trường làm việc luôn có những điểm khác biệt. Phần lớn người làm văn phòng trong các doanh nghiệp đều phải sử dụng một số giao thức bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin. Tuy nhiên, những giao thức này có thể là quá phức tạp khi làm việc tại nhà, mang lại những phiền hà.
"Luôn có một sự đánh đổi giữa bảo mật và sự tiện dụng cho người dùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ sự đánh đổi này ngày càng giảm đi trong vài năm qua", ông Koh Kong Meng, Giám đốc Hệ thống cá nhân HP Châu Á Thái Bình Dương nhận định.
Ông Koh lấy ví dụ về phần mềm chống virus. Trước đây, chúng thường hoạt động theo danh sách đen (những trang web/đường link không được truy cập) hoặc danh sách trắng (chỉ một vài đường link được phép truy cập). Tuy nhiên, các hãng như HP hiện nay đã phát triển các công cụ cho phép mở đường dẫn, tài liệu trong môi trường cách ly, đảm bảo chúng không lây lan ra toàn bộ hệ thống.
"Nhờ những công cụ này, bạn không còn phải cân nhắc liệu thứ mình vừa nhận có đến từ một nguồn đáng tin cậy hay không", ông Koh chia sẻ thêm.
|
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam chia sẻ về xu hướng công nghệ mới hậu đại dịch. Ảnh: ED.
|
Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng các doanh nghiệp phải đưa ra định hướng để làm sao phù hợp với tình hình mới, đồng thời phải chuyển đổi số hoạt động của công ty nhằm tăng hiệu quả chi phí.
Một xu hướng hậu đại dịch khác là ngày nay người dùng mong muốn trải nghiệm những sản phẩm được cá nhân hóa để đáp ứng công việc. Theo ông Hoàng Tuấn Hải, Giám đốc sản phẩm máy tính doanh nghiệp của HP, các dòng sản phẩm máy tính ngày nay cũng đang phải thích ứng và thay đổi theo những thói quen mới của người dùng.
“Giờ đây, với xu hướng làm việc kết hợp lên ngôi, các sản phẩm máy tính ngày nay sẽ được phát triển theo hướng nhấn mạnh vào khả năng hội họp thông minh và hiệu suất thích ứng để người dùng có thể làm việc mọi lúc mọi nơi”, ông Hải nói.
Một xu hướng nữa đang nổi lên là người dùng công nghệ ngày nay sẽ không chỉ quan tâm đến tính năng và hiệu suất của sản phẩm, họ còn chú trọng đến tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo eConomy 2002 do Google, Bain & Company và Temasek thực hiện, 55% người dùng kỹ thuật số tại Việt Nam tuyên bố sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững. Xu hướng tiêu dùng này khiến các doanh nghiệp phải thay đổi, đưa các vật liệu tái chế nhiều hơn vào trong sản phẩm.
Theo Anh Tuấn/Zing