Công trình này là nhà thờ Apostle Santiago nằm ở Quechula, thuộc bang Chiapas của phía nam Mexico. Nhà thờ này gần như bị chìm hoàn toàn kể từ năm 1966 khi một đập thủy điện được xây dựng ở gần phụ lưu sông Grijalva gần đó.
Tuy nhiên, do hạn hán và nắng nóng kéo dài khiến lượng nước ở trong hồ chứa bị sụt giảm và làm để lộ toàn bộ nhà thờ. Cụ thể, nhà thờ đã nhô lên tới 15 m trong những tuần gần đây do hồ chứa nước Nezahualcoyotl khô cạn.
Nhà thờ này được xây dựng bởi một nhóm tu sĩ do Friar Bartolome de la Casas dẫn đầu, người đã đến Quechula vào giữa thế kỷ 16. Với những bức tường cao khoảng 9 m, dài gần 56 m và rộng 13 m, công trình này còn được gọi là nhà thờ Quechula.
Mặc dù bị ngập nước nhưng nhà thờ cổ kính này vẫn giữ được những mái vòm, những thiết kế trang trí đẹp mắt.
Kiến trúc sư Carlos Navarete, người từng làm việc với chính quyền Mexico trong một báo cáo về công trình này, cho biết: "Nhà thờ đã bị bỏ hoang do các bệnh dịch lớn kể từ năm 1773 đến năm 1776".
Nhà thờ hiện đã lộ ra hoàn toàn sau nhiều năm bị chìm sâu dưới hồ nước. Điều này cho phép người dân và khách du lịch có thể đến tham quan.
Mực nước thấp trong hồ chứa này đang ảnh hưởng tới sinh kế của những ngư dân nuôi cá rô phi tại địa phương. "Khoảng 5 tháng trước, nước bắt đầu rút đi quá mức, vượt quá cả mức bình thường. Tôi nuôi gia đình bằng gì? Bây giờ, tôi không có gì cả", ông Darinel Gutiérrez, một người nuôi cá rô, cho biết.
Trước đó, Mexico đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hạn hán vào tháng 3 và cho rằng lượng mưa ít trong vài năm qua đã dẫn tới tình trạng khan hiếm nước.
Theo nhà khí tượng học Tyler Roys của AccuWeather, tháng 3 được coi là tháng khô hạn nhất trong năm với lượng mưa trung bình là 1,06 inch. Trong năm 2023, khu vực này không có trận mưa nào được ghi nhận trong suốt cả tháng. Kể từ ngày 18/6, mực nước của hồ chứa này ở Mexico đã giảm xuống còn 29% công suất.
Trên thực tế,Mexico đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, với 52% lãnh thổ nằm ở trong vùng khí hậu khô hạn hoặc bán khô hạn.Dù hạn hán là hiện tượng lặp đi lặp lại ở Mexico nhưng chúng đã gia tăng cả về tần suất và cường độ trong thập kỷ qua.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà thờ gần 500 năm tuổi tái xuất hiện. Trước đó, lần gần nhất công trình này nhô lên khỏi mặt nước là năm 2022.
Đợt nắng nóng và hạn hán do tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Mexico. Những nơi khác của đất nước này như Yucatán ở phía nam và Nuevo León ở phía bắc, đều đã ghi nhận nhiệt độ vượt quá 40 độ C.
Nhiều kỷ lục về khí hậu bị phá vỡ
Theo CNN, nhiệt độ không khí, mặt biển tăng đột biến, và mức độ ô nhiễm khí nhà kính trên bầu khí quyển cũng đang tăng cao kỷ lục. Ngoài ra, lượng băng ở Nam Cực đang ít bất thường. Một số nhà khoa học cho biết, dù chỉ mới trải qua gần nửa năm 2023 nhưng cónhiều kỷ lục về khí hậu bị phá vỡ.Đây là hồi chuông cảnh báo rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trái Đất đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với dự kiến.
Các nhà khoa học cho biết thêm, việc nhiệt độ tăng cao hiện nay là đáng báo động, nhưng không gây bất ngờ bởi sự kết hợp của tình trạng nóng lên toàn cầu và sự xuất hiện của El Nino.
Nhà nghiên cứu Jennifer Marlon tại ĐH Yale, nhận định: "Những thay đổi trên gây lo ngại vì tác động của chúng đối với người dân trong mùa hè tới và những mùa hè sau đó, cho tới khi chúng ta cắt giảm mức phát thải khí nhà kính với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hiện tại".
Hiện tại, thế giới đã ấm hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 5 năm tới được dự đoán là thời gian nóng nhất từng được ghi nhận.
Đặc biệt, năm 2023 đang trên đà trở thành một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận, với dữ liệu nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức đột biến.
Theo Minh Hằng/Báo Tổ quốc