Kế hoạch táo bạo này là sự kết hợp giữa công ty hàng không vũ trụ tư nhân của Mỹ Virgin Galactic và Đại học Witwatersrand (Nam Phi).
Theo Ancient Origins, hai hóa thạch vừa lên đường rời Trái Đất thuộc về Australopithecus sebida (một loài Vượn người phương Nam) và người anh em cùng chi Homo (Người) với chúng ta là Homo naledi.
Australopithecus sebida sống ở miền Nam châu phi 2 triệu năm trước trong khi Homo naledi có tuổi đời khoảng 250.000 năm trước.
"Hành trình của những hóa thạch này vào không gian thể hiện sự đánh giá cao của nhân loại đối với sự đóng góp của tổ tiên loài người và những người họ hàng xa xưa" - GS Lee Berger, Giám đốc Trung tâm Khám phá hành trình nhân loại thuộc Đại học Witwatersrand, cho biết.
|
Australopithecus sebida (trái) và Homo naledi - Ảnh: ANCIENT ORIGINS
|
Các hóa thạch chỉ là những phần xương rời rạc, bởi với niên đại quá lâu của hai loài cổ đại này, việc tìm ra hóa thạch nguyên vẹn là hầu như không thể.
Trong đó, mảnh hóa thạch lớn nhất là xương đòn của một cậu bé Australopithecus sebida, được chính con trai của GS Berger tìm ra khi mới 9 tuổi, trong một chuyến đi săn hóa thạch cùng cha mình.
Trước khi được đưa lên vũ trụ, các hóa thạch này đã phục vụ cho nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị.
Chuyến tàu đặc biệt được Virgin Galactic khởi hành từ sân bay Spaceport America ở New Mexico từ ngày 8-9 và thành công trong việc bay lên quỹ đạo hành tinh ở nơi cách mặt đất 88,5 km. Hiện tàu đã quay trở lại Trái Đất an toàn.
Hai hóa thạch cổ đại này được gọi là những phi hành gia cổ xưa nhất; trong khi chuyến tàu đóng vai trò thử nghiệm trong kế hoạch mở dịch vụ du lịch không gian của Virgin Galatic.
Tuy nhiên, hành động này cũng gây nhiều tranh cãi trong giới nhân chủng học.
Đơn cử, nhà nhân chủng học nổi tiếng Alessio Venenziano, đồng tổ chức hội nghị AHEAD quy tụ những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực, cho rằng chuyến bay này là thiếu căn cứ khoa học, gây ra các vấn đề về đạo đức quanh việc tôn trọng hài cốt tổ tiên con người, cách sử dụng hài cốt, đồng thời là sự trình bày sai lệch về cổ nhân học.
Một số nhà khoa học khác bày tỏ lo ngại rằng nếu chuyến bay gặp sự cố, những mẫu vật cực kỳ quý hiếm này có thể mất vĩnh viễn, theo tờ Live Science.
Theo Anh Thư / Người Lao Động