Những chất thải hạt nhân độc hại này từng được cho là sẽ được đóng băng vĩnh viễn cùng "Trại thế kỷ" tuyệt mật. Tuy nhiên, thiên nhiên luôn có những câu trả lời riêng, biến đổi khí hậu làm cho hiện tượng băng tan rã ngày một nghiêm trọng. Nó khiến nỗi lo ngại về sự rò rỉ chất độc hại khi băng tan đến khu vực chứa chất thải hạt nhân tăng lên cao.
|
Băng ở khu vực chứa chất thải độc hại sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này, gây nguy cơ ô nhiễm cao. Ảnh: NASA |
"Trại thế kỷ" chứ đến 50.000 gallon nhiên liệu diesel, 6.340.000 gallon nước thải và một số lượng không rõ của chất thải phóng xạ ở mức độ thấp và PCBs (chất thải nguy hại từ các hợp chất nhân tạo). Các nhà khoa học ước tính rằng băng ở khu vực chứa chất thải độc hại sẽ bắt đầu tan chảy vào cuối thế kỷ này, giải phóng hóa chất độc hại.
Một bản đồ mới từ trang web Đài Quan sát Trái Đất của NASA hé lộ băng đang tan chảy nhiều ở Bắc Cực. Khu vực xung quanh "Trại thế kỷ" lớp băng giảm đi trên dưới 0,3m mỗi năm. Lớp băng khu vực trại này bị giảm dần và nguy cơ rò rỉ tăng. Nước chảy từ băng tan sẽ mang theo chất lỏng độc hại trượt dốc và giải phóng vào biển, lan tỏa đi, gây hại cho môi trường.
|
"Trại thế kỷ" được Mỹ xây dựng để làm căn cứ thí nghiệm, nghiên cứu. Ảnh: US Army |
Các chất thải rắn được chôn sâu dưới lớp băng khoảng 30m cũng có nguy cơ gây họa khi băng tan. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chất thải nằm gần rìa Greenland Ice Sheet (Khối băng Greenland) sẽ sớm được giải phóng hơn nếu nhiệt độ tiếp tục tăng.
William Colgan, tác giả chính của nghiên cứu, lo lắng việc chúng ta sẽ làm thế nào để thích ứng thực trạng và đề ra các giải pháp trước hiện tượng này khi băng tan chảy năm 2090. "Đây là một trong danh sách dài các lý do để nói rằng: Làm thế nào để chúng ta có thể giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay?"
Mỹ xây dựng Trại thế kỷ trên đảo Greenland vào năm 1959 để thực hiện nhiều thí nghiệm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Năm 1967, Mỹ phát hiện điều kiện môi trường tại đây không ổn định nên họ chấm dứt dự án và rời bỏ khu căn cứ. Các nhà nghiên cứu lúc đó nghĩ mọi chất thải độc hại nằm dưới lớp băng dày và tuyết rơi liên tục sẽ an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến chuyện biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu và băng sẽ tan sau nhiều năm.
Theo M.Khuê/Người Lao Động