GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu góp phần phát triển ngành Tâm lý học. Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên 59 công trình về chuyên ngành tâm lý học thần kinh, tâm lý học nhân cách, tâm lý học đại cương, tâm lý học nhân học; chiến lược giáo dục; nghiên cứu con người; tác giả của hàng trăm bài báo khoa học, phổ biến khoa học trên báo, tạp chí trong và ngoài nước.
|
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu góp phần phát triển ngành Tâm lý học. Ảnh: Q.Huy/Gia đình và xã hội. |
Chặng đường góp phần phát triển ngành Tâm lý học Việt Nam
GS Phạm Minh Hạc sinh ngày 26/10/1935 tại Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1954, ông tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tại Liên khu 3, sau đó theo học Đại học Văn khoa Hà Nội.
Thời điểm ấy, ở phương Tây, tâm lý học giáo dục đã phát triển, nhưng vẫn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam. Nhận thấy cốt lõi của giáo dục chính là hiểu được tâm lý và giá trị con người, sinh viên Phạm Minh Hạc đã có những suy nghĩ khoa học về tâm lý và con người.
Sau khi tốt nghiệp Văn khoa, ông theo ngành Tâm lý học tại Đại học Tổng hợp Moskva, tốt nghiệp năm 1962. Ông học tiếp tiến sĩ và ra trường năm 1971 với luận án "Cơ chế não của trí nhớ".
Năm 1977, ông hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học "Hành vi và hoạt động". Ông được Đại học Tổng hợp Moskva phong là giáo sư tâm lý học năm 1984 và được Viện Hàn lâm Khoa học chính trị Nga công nhận là viện sĩ năm 1999.
Cùng hoạt động nghiên cứu, ông tham gia giảng dạy, quản lý tại Đại học Sư phạm Hà Nội vào các năm 1971-1972. Năm 1977-1981, ông chuyển sang làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục) với chức danh Phó trưởng ban và Trưởng ban Tâm lý học. Năm 1980, ông làm Phó Viện trưởng và từ năm 1981-1987 là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục.
Từ năm 1987-1990, ông được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thay bà Nguyễn Thị Bình; sau đó tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng thường trực dưới quyền Bộ trưởng kế nhiệm Trần Hồng Quân.
Từ 1991 - 2005, ông là chủ nhiệm nhiều chương trình khoa học cấp nhà nước. Cũng trong khoảng thời gian này, ông tham gia thành lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Con người (1999 - 2007, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Bàn về giá trị con người, GS Phạm Minh Hạc quan niệm, nấc thang phát triển cao nhất của con người chính là nhân cách và nhân cách lại được đánh giá bằng chuẩn mực xã hội. Chúng ta sẽ có thái độ ứng xử với con người đúng đắn khi tôn trọng quyền sống, quyền công dân, quyền con người, quyền phát triển của mỗi người.
Nhân loại đã có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cuốn sách bàn về con người. Song, cách hiểu về con người của GS.TSKH.VS Phạm Minh Hạc có góc cạnh riêng.
Những quyết sách cho nền giáo dục phát triển
Một trong những dấu ấn lớn của GS Phạm Minh Hạc khi là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là có nhiều đề xuất, chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Chia sẻ với báo chí về giai đoạn này, ông không khỏi bồi hồi. Sau chiến tranh, kinh tế đất nước rất khó khăn, giáo dục vỡ từng mảng. Hàng nghìn học sinh bỏ học, nhiều giáo viên thôi việc.
|
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc - người đã có nhiều quyết sách quan trọng cho sự phát triển của giáo dục nước nhà. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo. |
10 năm sau chiến tranh, năm 1986-1987, người dân mù chữ nhiều, chưa có căn cứ thực hiện phổ cập tiểu học. Trong bối cảnh đó, GS Phạm Minh Hạc tập hợp được 81 nhà nghiên cứu giáo dục và một số giáo viên làm việc không phụ cấp trong 3 tháng.
Tư tưởng cho giáo dục được đề ra: “Giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển những cái cần thiết”. Đích thân GS Phạm Minh Hạc đúc kết lại từ báo cáo của 81 người thành bài, trình bày và thảo luận.
“Thời kỳ tôi còn làm việc, các thư ký không vất vả lắm, không bao giờ phải viết bài. Báo cáo của 81 người, tôi đúc kết thành bài, trình bày và thảo luận. Cứ như vậy trong mấy năm liền, dần cô lại từ 10 xuống 8, xuống 6, để rồi đúc kết trong toàn ngành và thống nhất một tư tưởng”, ông nhớ lại.
Từ sự thống nhất trong tư tưởng, nền giáo dục đã có căn cứ để xây dựng Luật phổ cập Giáo dục Tiểu học. GS Hạc được phân công là Trưởng ban dự thảo bộ Luật. Năm 1990, lần đầu tiên Hội nghị giáo dục toàn thế giới được tổ chức tại Thái Lan. GS Phạm Minh Hạc, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (Ủy ban hoạt động trong 10 năm, từ năm 1990-2000) tham dự hội nghị.
Ngày 26/12/2000, Chính phủ đã báo cáo với toàn dân và công bố với thế giới, Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học theo tiêu chuẩn đưa ra tại hội nghị ở Thái Lan. Đó là mốc lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà.
Một dấu ấn nữa của GS Phạm Minh Hạc đối với sự phát triển giáo dục, đó là phát triển trường chuyên. Ông và đồng nghiệp đề ra khẩu hiệu “Đại trà và mũi nhọn”. Theo đó, “đại trà” cho tất cả nhưng cũng phải chú ý tới các em có tài năng, bởi vì phát hiện và bồi dưỡng nhân tài có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp giáo dục. Ông đề nghị cấp trên cho mỗi tỉnh được mở một trường chuyên.
Năm 1965, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định mở trường chuyên trong Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó là Đại học Sư phạm. Đến giờ, chúng ta đã có một hệ thống trường chuyên lớn mạnh, đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài với những giải thưởng quốc tế danh giá.
Bậc “đại sư” thời hiện đại
Tại Hội thảo khoa học “GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam” mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học, nhà giáo, một nhà quản lý, một chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, đã có một khoảng thời gian rất dài và có nhiều đóng góp nổi bật, to lớn cho giáo dục nước nhà.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ, trao đổi với phu nhân của GS Phạm Minh Hạc - bà Hoàng Anh và gia đình của GS Phạm Minh Hạc tại Hội thảo. Ảnh: MOET.
|
Với tư cách là nhà khoa học, GS đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển ngành tâm lý học nói chung và tâm lý học giáo dục Việt Nam, những nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục, triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục. Nhiều nghiên cứu khoa học của GS đã có đóng góp làm phát triển ngành tâm lý học, khoa học giáo dục nói chung và có đóng góp trong phát triển giáo dục Việt Nam thời kỳ hiện đại nói riêng.
Với tư cách là nhà quản lý, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt là cương bị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS đã có những quyết sách đổi mới giáo dục vào thời kỳ đất nước đã độc lập thống nhất nhưng cũng là giai đoạn cực khó khăn, giáo dục đầy thách thức. Phương châm chỉ đạo của giai đoạn thử thách đó được GS đề ra là: “Giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển cái cần thiết”. Đó là tinh thần mang tính tình thế, có kế thừa và lựa chọn cái cần làm phù hợp với hoàn cảnh, nó cũng mang tính kế thừa, một tinh thần quan trọng của giáo dục.
Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, GS đã có nhiều đề xuất và chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000… Những kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn giáo dục nước nhà của GS hiện vẫn còn nhiều ý nghĩa tham khảo đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, đặc biệt là phát triển nền giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hoạt động khoa học và thực tiễn của GS để lại cho những người quản lý giáo dục ngày nay nhiều bài học quan trọng. Trong đó có bài học về việc phát triển khoa học tâm lý, lấy khoa học tâm lý làm gốc căn cơ nền tảng để phát triển khoa học giáo dục. Đó là tầm nhìn xa về chính sách trong giáo dục, là tinh thần bám sát thực tiễn, tinh thần đề cao công bằng trong giáo dục, tinh thần nhân văn trong giáo dục…
Học thuật của giáo sư còn để lại ở danh mục đồ sộ các công trình, là các chuyên luận, tài liệu, giáo trình, bài báo khoa học xuất bản trong và ngoài nước. Để phát huy làm nổi bật đóng góp khoa học của giáo sư, chắc chắn còn nhiều việc cần phải làm.
Nghiên cứu đánh giá để thấy hết những đóng góp to lớn của giáo sư với ngành giáo dục, đặc biệt với cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại chắc chắn cần phải làm nhiều việc, cần có thêm những nghiên cứu khảo sát tỉ mỉ hơn nữa trong tương lai.
“Với những hiểu biết của cá nhân tôi với tư cách hậu học, hậu sinh, hậu bối, hậu kế, tôi thấy GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc thực sự là bậc đại sư thời hiện đại với tất cả ý nghĩa của nó”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ, với tư cách là người đứng đầu Bộ Giáo dục, một trong những điều khiến ông cảm may mắn và hạnh phúc là còn những người thầy lớn, bậc tiền bối để có chỗ dựa và hỏi han, trong đó có GS Phạm Minh Hạc.
Có những nền tảng gốc mà những tiền bối đã gây dựng một cách chắc chắn từ trước để nay kế thừa là niềm hạnh phúc. Có bài học lớn, tấm gương sáng để tiếp nối, soi sửa và noi theo, đó là một niềm hạnh phúc.
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Nhiều Bằng khen, Huy chương, Giải thưởng khoa học của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. GS Phạm Minh Hạc được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.
Mai Loan