Gần trọn một đời cống hiến cho khoa học, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đã có nhiều cống hiến to lớn với những công trình mang tính thực tiễn, ứng dụng cao. Là tác giả của nhiều đầu sách khoa học, GS.VS Trần Đình Long cũng là một người ham mê đọc sách, đặc biệt là sách khoa học. Theo chia sẻ của ông, những thành công của ông có sự góp phần không nhỏ của người bạn đồng hành, người thầy vĩ đại nhất – sách khoa học.
|
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Sách khoa học vẫn là lý thú nhất
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho hay, nói về thể loại sách, thường phân biệt thể loại văn hóa, xã hội, nghệ thuật và sách khoa học tự nhiên.
Trong sách khoa học kỹ thuật, chia thành mấy loại chính : Sách về phát minh, sáng chế, sách giáo trình, sách chuyên khảo và sách hướng dẫn phổ biến kiến thức. Mỗi loại có chủ đích riêng, mỗi người đều có sở thích của mình.
“Riêng tôi, tất cả các thể loại sách khoa học tôi đều có hứng thú tìm hiểu và đọc tùy theo thời kỳ công tác, lứa tuổi trưởng thành. Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, tôi chỉ đọc sách đã in sẵn, nhưng gần đây tôi đã chủ yếu đọc sách “Điện tử”. Dù bất kỳ hình thức nào, sách khoa học vẫn là lý thú nhất đối với tôi”, GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.
Vậy sách khoa học lý thú thế nào, theo GS Trần Đình Long, câu hỏi đó mang tính khái quát nhưng cũng chỉ rõ cụ thể vai trò vị trí của sách khoa học. Thường khi đánh giá một cuốn sách người ta dựa trên tiêu chí nội dung và hình thức thể hiện cuốn sách.
Riêng sách về khoa học thì cần thể hiện được tính chính xác, tính kế thừa, tính mới, tính thời sự, tính sáng tạo, tính thực tiễn và tính lan tỏa. Hình thức phải đẹp, hấp dẫn, đọc dễ hiểu, những khái niệm phức tạp phải diễn giải đơn giản để bạn đọc dễ hiểu.
Những cuốn sách truyền cảm hứng mãnh liệt
GS.VS Trần Đình Long cho hay, có những cuốn sách gây cảm xúc mãnh liệt đối với ông. Trong đó, đầu tiên phải kể đến là cuốn sách "Cuộc cách mạng trong một cọng rơm" của tác giả người Nhật Masanobu Fukuoka, được xuất bản lần đầu vào năm 1975, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tái bản lần thứ nhất năm 2015.
|
GS.VS Trần Đình Long kiểm tra giống cỏ ngọt ST77 được ông nhân giống thành công tại Nam Định. Ảnh: NVCC. |
Cuốn sách không dầy, chỉ gồm 259 trang, được viết bởi tác giả Masanobu Fukuoka, người nông dân vĩ đại nhất của hành tinh. Ông là người đạt tới cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.
Viết về nông nghiệp nhưng tác giả không để người đọc sa vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cụ thể. Người ta nói rằng phương pháp của Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp. Đọc xong cuốn sách, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên.
Sản xuất nông nghiệp là bước tiến đầu tiên của loài người, nhằm đáp ứng nhu cầu sống sót. Tuy nhiên, cho đến nay, hàng năm, loài người lãng phí 1/3 lượng thức ăn chúng ta có được. Và để có được từng đó thức ăn mà lãng phí, những người sản xuất lương thực, thực phẩm đã không ngừng bón phân, diệt cỏ và sâu, bệnh hại, vận chuyển thực phẩm từ lục địa này sang lục địa khác và bảo quản chúng bằng hóa chất và sau đó chúng ta tìm cách chữa bệnh do hóa chất gây ra.
“Con người đã tìm cách diệt vong chính mình.Vì vậy mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người. Có nhiều người đã nói: Nếu mình biết FUKUOKA sớm hơn, chắc hẳn cách dạy con của mình có nhiều cái khác so với những gì mình đã làm”, GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.
Một cuốn sách nữa cũng đem đến cho ông rất nhiều cảm xúc khi đọc, đó là “Nhân tố Enzyme” của tác giả Hiromi Shinya. Cuốn sách không chỉ đưa ra suy nghĩ chưa đúng của nhiều người về dinh dưỡng, mà còn nêu lên những yếu tố để có bữa ăn lý tưởng.
Bác sĩ Hiromi Shinya cho rằng, bữa ăn nên chia theo tỷ lệ 85:15. Trong đó, 85% khẩu phần ăn được làm từ thực vật (50% ngũ cốc; 35% rau, củ, quả), 15% là protein động vật (trứng, cá, thịt). Khi chế biến thực phẩm thực vật nên luộc hoặc hấp để đảm bảo lượng dinh dưỡng, ngũ cốc nên chọn loại chưa qua tinh chế. Thực phẩm động vật lựa chọn các loại có thân nhiệt thấp hơn thân nhiệt người. Trong quá trình ăn nên ăn ít, nhai kỹ. Bên cạnh đó, cần tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và hạn chế sử dụng nước uống có cồn, đồ ăn ngọt...
Tuy nhiên, ngày nay xã hội phát triển không ngừng, con người sống vội hơn, mọi thứ chuyển động nhanh hơn, nhất là ở giới trẻ. Xu hướng ăn nhiều thịt, ít rau, hạn chế vận động… đã khiến nhiều người đang tự hủy hoại sức khỏe của chính mình.
“Nhân tố Enzyme” là cuốn sách tổng hợp những thông tin về ăn uống hợp lý, chế độ sống lành mạnh và điều độ. Vì vậy, để nhận được ảnh hưởng tích cực từ cuốn sách, độc giả phải sẵn sàng thay đổi để tiếp nhận kiến thức hữu ích.
Qua cuốn sách, bác sĩ Hiromi Shinya gửi đi thông điệp: Bạn là bác sĩ tốt nhất của chính mình. Cơ thể là kết quả của cách sống, thái độ sống, hãy lắng nghe cơ thể và thường xuyên cảm nhận những niềm hạnh phúc trong cuộc đời. Giữa cơ thể và tinh thần của con người có mối quan hệ không thể tách rời. Vì vậy, bạn hãy làm những việc tốt cho cơ thể và tinh thần thì bạn mới khỏe mạnh thực sự. Điều này chỉ có được khi đồng thời thực hiện cả hai việc là trẻ hóa cơ thể và trẻ hóa tâm hồn. Và đó cũng chính là cách mỗi người duy trì nguồn enzyme tích cực, tránh xa nguồn enzyme tiêu cực để sống vui, sống khỏe hơn.
Tác giả tập sách “Nhân tố enzyme” là một bác sĩ. Ông tự bạch: Trong suốt 40 năm làm bác sĩ, tôi chưa một lần bị bệnh. Bạn có thể sống lâu không bệnh tật? Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông di khám bệnh là khi ông bị cúm năm 19 tuổi. Hiện ông là bác sĩ làm việc chủ yếu ở Mỹ và Nhật.
Sau khi tự mình thực hiện và nhận thấy hiệu quả của phương pháp giữ sức khỏe hằng ngày, ông đã giới thiệu nó cho các bệnh nhân của ông cùng thực hiện, và kết quả họ đạt được còn tuyệt vời hơn rất nhiều so với kết quả của một người khỏe mạnh như ông. Vì sau khi tìm hiểu và thực hiện phương pháp này, có thể nói tỉ lệ tái phát bệnh ung thư của các bệnh nhân bằng 0%.
“Đó thực sự là một cuốn sách có ý nghĩa, rất hữu ích và đáng đọc”, GS.VS Trần Đình Long khẳng định.
Nếu ta là hạt cát, thì sách là đại dương
Không chỉ ham mê đọc sách khoa học, chính GS.VS Trần Đình Long cũng là tác giả của nhiều đầu sách khoa học uy tín. Trong đó, một trong những công trình khiến ông tâm đắc, đó là cuốn sách “Giới thiệu về cây lúa đặc sản quý hiếm ở Việt Nam”.
|
GS.VS Trần Đình Long bên giống đậu tương mới ĐT22 thích hợp cho vụ hè. Ảnh: NVCC. |
Đây là cuốn sách ông là đồng tác giả với TS Hoàng Thị Huệ, TS Phạm Văn Dân, TS Vũ Linh Chi. Sách do NXB Thanh niên, Hà Nội năm 2023.
Theo GS.VS Trần Đình Long, giống cây trồng đặc sản là giống truyền thống hoặc giống điạ phương nhưng có những đặc tính nổi trội về chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế. Chẳng hạn, bưởi Đoan Hùng, cam Xã Đoài, nếp cái hoa vàng, lúa Nàng hương, xoài Cát Hòa Lộc…Giống cây trồng quý hiếm là những nguồn gen (giống) có những đặc tính quý như: chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, sâu bệnh; có năng suất, chất lượng cao; gắn liền với truyền thống văn hoá của các địa phương và đang có nguy cơ bị đe dọa thất thoát (xói mòn) cao.
Đây cũng là nguồn cung cấp dược liệu để sản xuất nhiều loại dược phẩm, thuốc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngày 29/1/2019, PGS Trần Đăng Xuân, Đại học Hiroshima (Nhật Bản) lần đầu tiên công bố trên tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng Molecules của MDPI về việc tìm thấy sự hiện diện của hai hợp chất Momilactone A và B (MA và MB) trong gạo, hợp chất đắt hơn vàng 30 ngàn lần được tìm thấy từ cây lúa.
MA và MB là các hợp chất tiềm năng chống tiểu đường mới, chống béo phì và gút, phòng chống ung thư thông qua khả năng ức chế hoạt động của các enzymes liên quan đến các bệnh này. Ngoài ra, các giống lúa đặc sản còn mang giá trị về văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, là nguồn cảm hứng sáng tạo mỹ thuật, nghệ thuật, là nơi nghỉ ngơi thư giãn, phát triển du lịch sinh thái và văn hóa.
Khi đọc sách khoa học, con người sẽ được cung cấp những kiến thức, từ đó khơi dậy tinh thần học hỏi, sáng tạo. Sách là nguồn tri thức vô tận, sách vừa là người thầy vĩ đại nhất vừa là người bạn đồng hành.
“Phương châm của cuộc sống là hãy đứng lên vai người khổng lồ, liên tục học hỏi để không ngừng sáng tạo. Để có trí tuệ và lòng nhân ái, hãy đọc sách, đặc biệt là sách khoa học. Đọc như thế nào, đọc lúc nào là tùy thuộc vào mỗi người Nếu coi mình chỉ là hạt cát trong đại dương thì sách sẽ là đại dương về kiến thức. Nó lôi kéo, hấp dẫn, cuốn hút chúng ta vì sách là người bạn tri kỷ là người yêu bất tử”, GS.VS Trần Đình Long chia sẻ.
Với những cống hiến của mình, GS.VS Trần Đình Long đã nhận nhiều giải thưởng như Giải thưởng quốc tế về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên năm 1995; Giải thưởng "Doreen Mashler" về cải tiến năng suất và sản lượng lạc ở Việt Nam năm 2004; Giải thưởng quốc tế về tài nguyên thiên nhiên châu Á năm 2005; 6 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2024, GS.VS Trần Đình Long là 1 trong 6 nhà khoa học Việt Nam trong hệ thống được Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) vinh danh.
Mai Loan