Sống ở rừng mới thấy rừng đẹp quá!
Khi nói về rừng, về cây, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam dường như có một nguồn năng lượng vô tận.
“Tình yêu với rừng của tôi bắt đầu từ khi tôi đi bộ đội. Sống cùng với rừng, ăn, ngủ trong rừng suốt những năm kháng chiến, tôi thấy rừng sao mà đẹp quá”, GS Đặng Huy Huỳnh bắt đầu câu chuyện về tình yêu mà ông đã dành gần trọn cả cuộc đời gắn bó, cống hiến.
|
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: Mai Loan. |
GS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, ông sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng hiếu học. Mỗi buổi sáng, ông đút túi quần 4 lát khoai lang (loại khoai luộc lên, rồi phơi khô), vừa đi vừa nhai rồi đến trưAờng học.
Năm 1947, khi chuẩn bị lên cấp 2, thì ông nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ: "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Thế là ông tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ. Lúc đó, ông mới 14 tuổi.
Tưởng rằng, đi một thời gian ngắn thì về, nhưng ông không ngờ, cuộc chia tay ấy kéo dài tới tận năm 1975, và có những lúc ông nghĩ mình sẽ không còn có thể trở về được nữa.
“Thời điểm chiến đấu ở Capuchia, có những lúc, tôi ra bờ suối, cứ bứt từng chiếc lá thả xuống dòng nước và nhủ thầm: đây là lá thư gửi về cho mẹ, đây là lá thư cho bố… Vì nghĩ không biết có sống được để trở về hay không”, GS Huỳnh xúc động.
Chính những năm tháng dài đằng đẵng ở trong rừng ấy, đã nuôi dưỡng, hun đúc trong lòng chàng trai Đặng Huy Huỳnh một tình yêu mãnh liệt, tha thiết với rừng, với thiên nhiên.
Năm 1949, GS Đặng Huy Huỳnh vào học trường Thiếu sinh quân. Một lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, hỏi cả lớp có ai muốn sang Lào đánh giặc. Ông đăng ký xin đi, và rồi là một trong hai người được chọn vào quân tình nguyện viên sang Lào.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, ông cùng đồng đội hành quân từ Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đến tỉnh Attapeu của Lào. Một tháng hành quân gian khổ vượt Trường Sơn, cũng là quãng thời gian khiến ông nhận ra vẻ đẹp hùng vĩ, kỳ diệu của thiên nhiên, của rừng.
“Ngày đó, rừng Trường Sơn còn hoang sơ lắm. Nai, hoẵng, các thú rừng rất nhiều. Mỗi lần nghỉ chân, thấy những con thú rừng nhởn nhơ ra suối uống nước. Cảnh vật hiện ra trước mắt nên thơ, hùng vĩ như những bức tranh. Càng đi, càng thấy rừng sao mà đẹp thế”, GS Đặng Huy Huỳnh kể.
Sau khi sang Lào, GS Đặng Huy Huỳnh được cử sang hoạt động ở Campuchia. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông từ Campuchia trở về nước, lại tiếp tục đi bằng đường rừng.
“Lúc đó tôi đang ở vùng Đông Bắc Campuchia ở rừng, sát sông Mekong. Tôi cùng đồng đội lội rừng, lội sông suối, từ Trung Lào, qua Hạ Lào đi về Việt Nam. Trong vòng hơn 1 tháng, mọi sinh hoạt, ăn, ngủ đều trong rừng. Những bữa ăn chủ yếu là sắn, lúc được phát gạo thì nấu bằng ống tre. Thức ăn có cá, cua, tôm… dưới suối rất nhiều. Rau thì có lá rừng, chuối, dứa…
Có khi mùa khô, đi cả ngày không găp nước. Lúc đi qua cánh đồng, nhìn thấy có vũng nước nai, hoẵng… cũng đang uống. Chúng sợ bỏ chạy, nước đục ngàu. Bỏ vào chút thuốc tím, thế rồi uống. Vậy mà may mắn làm sao vẫn không bị bệnh.
Chính những năm tháng sống, gắn bó với rừng như vậy đã khiến tôi có một tình yêu tha thiết, sâu nặng với rừng. Với tôi, rừng chính là ân nhân. Đơn vị của tôi, đồng đội hy sinh nhiều lắm, tôi không bao giờ còn sống để trở về nước. Khi trở về, cứ nghĩ đó là may mắn, hạnh phúc rất lớn thì phải làm gì đó để cảm ơn rừng, cảm ơn đồng đội, những người đã ngã xuống”, GS Đặng Huy Huỳnh xúc động.
Giữ cây di sản như giữ tâm hồn mình
Nung nấu với suy nghĩ phải tri ân rừng, năm 1956, GS Đặng Huy Huỳnh được cử ra Hà Nội học trường Bổ túc văn hóa công nông, sau đó, ông đã quyết định thi vào Khoa Sinh vật, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, ông ra trường, được giữ lại giảng dạy ở Khoa. Tiếp đó, ông công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu, ông cộng tác với báo chí để nâng cao nhận thức người dân.
|
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, ông vẫn giữ thói quen đặt và đọc Báo Khoa học và Đời sống. |
“Ngày đó, Báo Khoa học và Đời sống có tên là Khoa học Thường thức. Tôi thi thoảng có bài viết cộng tác vẫn mang qua”, GS Đặng Huy Huỳnh nhớ lại.
GS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, ngày còn ở trong rừng Trường Sơn, ông luôn thắc mắc vì sao mùa mưa, mưa rất lớn, suốt ngày đêm nhưng không có xói lở? Mùa khô lại vẫn có chỗ có nước ngầm?
“Sau này, khi được học, tôi mới biết đó là vì có cây, có rừng. Khi có trình độ, tôi mới thấy vai trò của rừng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học quá quan trọng đối với cuộc sống, kinh tế, sức khỏe của người dân.
Tôi chọn theo ngành này để nghiên cứu, trả lời những câu hỏi ngày xưa tôi thắc mắc. Và từ đó, tuyên truyền cho người dân, đồng bào giữ lấy rừng cho mình và cho con cháu”, GS Đặng Huy Huỳnh nói.
GS Đặng Huy Huỳnh cho hay, điều khiến ông hạnh phúc vì đã chọn được đúng nghề mình thích, mình yêu, thực hiện được điều ông trăn trở, đó là bảo vệ rừng.
Và một trong những điều khiến ông cảm thấy vui nhất, là đã góp phần bảo vệ được hàng ngàn cây di sản.
Ông chia sẻ, cây cổ thụ có giá trị rất lớn, không chỉ về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà có ý nghĩa rất lớn về tâm linh. Nó kết nối thế hệ này với thế hệ khác. Nó cho ta biết về lịch sử.
“Như cây mù u, cây bàng vuông, cây phong ba ở Trường Sa 300 năm tuổi, chứng tỏ người người dân Việt Nam đã có mặt ở Trường Sa cách đây từ thế kỷ XVII. Nó cho thấy chủ quyền của đất nước.
Hay vì sao người xa quê hương, vẫn nhớ cây đa, cây gạo, cây thị… ở làng mình, làm cho mỗi người không quên được quê hương, bà con, chòm xóm?… Đó chính là giá trị tinh thần, kết nối tâm linh của cây di sản. Nó khiến người ta yêu làng, yêu quê hương, và từ tình yêu nhỏ ấy sẽ lớn mạnh thành tình yêu đất nước. Khi đất nước lâm nguy sẽ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước của mình.
Cho nên, phải giữ bằng được cây di sản. Phải xã hội hóa, khuyến khích, làm cho mỗi người dân đều muốn giữ lấy cây như giữ làng của mình, tâm hồn mình”, GS Đặng Huy Huỳnh nói.
GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, hiện nay, ông đã góp phần bảo vệ được hơn 6.000 cây di sản, trong đó, cây cao tuổi nhất là 2.500 năm tuổi ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì, Phú Thọ). Hoặc quần thể cây duối Đường Lâm (Hà Nội), có những cây 1.400 năm tuổi. Hoặc cây đa ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cây này đã suýt bị phá đi, nhưng khi giữ lại được thì thành điểm du lịch rất tốt.
Mới đây, các kiểm lâm viên ở Hòa Bình vừa gọi điện cảm ơn ông vì đã giúp họ bảo vệ được cây di sản ở Đà Bắc. Đó là điều ông cảm thấy hạnh phúc.
Theo ông. giữa con người và thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó với nhau. Bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm, cũng chính là bảo vệ cho sức khỏe con người. Đứng về mặt loài, con người và con vật ngang hàng nhau. Cho nên, phải biết dựa vào nhau, biết giữ cho môi trường. Giữ được mẹ thiên nhiên, rừng núi, sông hồ… chính là giữ được chỗ dựa cho chính mình.
“Biết quý trọng thiên nhiên biết quý trọng mình. Biết quý trọng mình thì biết quý trọng người khác. Con người biết yêu thiên nhiên sẽ không bao giờ làm điều xấu, điều ác”, GS Đặng Huy Huỳnh nói.
“Có lần đồng bào bắn được con bò tót, đem hẳn cho đoàn cán bộ cái đùi bò rất to. Nhưng ông dứt khoát không nhận, chỉ nói “ Cảm ơn già làng, cán bộ đã có đầy đủ thức ăn rồi”. Họ bảo: “Không, toàn thấy cán bộ ăn muối”. “Mình là người bảo vệ tài nguyên, mình ăn của họ thì sau sẽ nói thế nào? Hôm sau, tôi ra giải thích cho đồng bào hiểu là không nên bắn thú rừng. Vậy mà họ nhớ. Sau này, con trai tôi quay trở lại nơi đó làm việc, họ vẫn nhắc đến “ma” Huỳnh đã dặn không bắn con thú này, con thú kia… Như vậy, mình đã giữ được cái chất của một nhà khoa học, dù trong gian khổ. Và trong tuyên truyền cho bà con, thì cán bộ phải là người làm gương”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
Giờ đã ở tuổi 93, GS Đặng Huy Huỳnh vẫn đi khảo sát, tuyên truyền để bà con giữ rừng, biết bảo vệ thiên nhiên. Trong đó, đặc biệt không dựa vào tâm linh để phá rừng. Những chùa xưa được xây dựng đều ở những nơi phong thủy hữu tình, có núi, có cây lá, có hồ, có sông… Phong cảnh làm cho con người ta thấy tĩnh tâm, muốn làm việc thiện, xa rời điều xấu, điều ác…
Có những đêm không ngủ được, ông lại nhớ những năm tháng chiến đấu gian khổ, lại tự nhủ cần phải tiếp tục công việc để cảm ơn đồng đội, cảm ơn rừng.
Điều khiến ông tự hào, là dù cuộc sống có những lúc thăng trầm, gian khổ, nhưng ông vẫn luôn giữ được những điều ông tâm huyết và theo đuổi.
“Tôi thấy những đóng góp của mình vẫn bé nhỏ. Nhưng từng hạt cát nhỏ sẽ tạo thành bãi cát lớn”, GS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 tại làng Trước Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông 2 lần được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh – Giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học công nghệ như: Tập ATLAS quốc gia (năm 2005); Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (năm 2010) và Giải thưởng Môi trường Việt Nam (năm 2009).
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh được giao phó nhiều chức vụ quan trọng như: Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam); Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam; Ủy viên Thường vụ BCH Hội các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; thành viên nhóm cứu vớt các loài sống sót (SSC) quốc tế.
Ngày 8/8/2017, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN.
Mời quý độc giả xem video: Giáo sư Nhật chia sẻ bí quyết giảm 2cm vòng eo sau 7 ngày bằng cách quỳ gối vào buổi sáng. Nguồn: Bestie.
Mai Loan