Trong quá trình điều tra Google, Bộ Tư pháp Mỹ và các công tố viên đang thảo luận kế hoạch buộc Google bán đi một số bộ phận sinh lời như trình duyệt Chrome và các phần thuộc mảng quảng cáo.
Cuộc thảo luận được đưa ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp chuẩn bị nộp đơn kiện Google về vấn đề chống độc quyền.
|
Google đứng trước nguy cơ phải bán trình duyệt Chrome. Ảnh: CNN.
|
Nếu thua kiện, Google có thể phải rao bán trình duyệt Chrome cho một doanh nghiệp khác. Điều đó cũng cho thấy thất bại của Google - công ty sử dụng quyền lực kiểm soát trình duyệt web phổ biến nhất thế giới nhằm hỗ trợ cho dịch vụ tìm kiếm Google Search.
Theo Politico, công tố viên được cho đã thảo luận cùng các chuyên gia trong ngành quảng cáo, đối thủ và nhà xuất bản truyền thông về kế hoạch kìm hãm sự thống trị của Google.
Ngoài trình duyệt Chrome, đơn kiện của Bộ Tư pháp còn bao gồm cách Google sử dụng nền tảng Android để buộc người dùng truy cập bộ máy tìm kiếm Google Search.
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Google và các hãng công nghệ lớn chịu sự giám sát chặt chẽ về vấn đề chống độc quyền, thu thập dữ liệu người dùng và xử lý thông tin sai lệch trên nền tảng trực tuyến.
Được Google giới thiệu năm 2008, Chrome đã trở thành trình duyệt chiếm thị phần cao nhất thế giới. Sự phổ biến của Chrome cũng dẫn đến lo ngại về việc Google có thể lạm dụng trình duyệt web để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Sự chỉ trích đã leo thang vào tháng 1 khi Google cho biết sẽ loại bỏ việc sử dụng cookie của bên thứ 3 trong trình duyệt Chrome để "nâng cao quyền riêng tư của người dùng". Tuy nhiên cookie - dữ liệu được trình duyệt sử dụng để theo dõi lượt truy cập vào các trang web - cũng là công cụ được các nhà xuất bản sử dụng để đo lường hiệu quả quảng cáo.
Ước tính của Google cho rằng thay đổi này sẽ làm giảm doanh thu từ quảng cáo của các trang tin chèn quảng cáo đến 62%.
|
Google được cho là lạm dụng thế thống trị của trình duyệt Chrome để chèn ép đối thủ. Ảnh: LaptopMag.
|
Trong khi các trình duyệt khác như Safari của Apple và Firefox của Mozilla đã chặn cookie, động thái của Google sẽ có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn vì Chrome được sử dụng bởi gần 60% máy tính và 37% thiết bị di động ở Mỹ, theo phân tích của StatCounter.
"Nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường lo ngại rằng trong khi Google loại bỏ cookie của bên thứ 3 - thứ các công ty quảng cáo cần, họ vẫn có thể sử dụng dữ liệu được thu thập trong hệ sinh thái của mình", báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết.
Google nói họ đang làm việc với ngành quảng cáo và các bên liên quan để phát triển hệ thống thay thế cookie. Công ty đã đề xuất cơ chế mới gọi là Turtledove, trong đó việc đấu giá quảng cáo được diễn ra ngay trong trình duyệt thay vì gửi dữ liệu đến máy chủ bên ngoài.
Theo Google, cơ chế này sẽ bảo vệ quyền riêng tư của người dùng tốt hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo cho rằng việc trao nhiều quyền kiểm soát cho Google như vậy cũng là điều không tốt.
Theo Phúc Thịnh/Zing