"Những vụ nổ siêu tân tinh đã tách các hạt nguyên tử tích điện ra khỏi trọng lực của các thiên hà ban đầu và những luồng 'gió thiên hà siêu mạnh' thổi chúng tới Dải Ngân hà của chúng ta", CNN dẫn nghiên cứu của Đại học Northwestern cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu, khoảng một phần hai số nguyên tử cấu tạo nên Trái Đất tới từ các thiên hà xa xôi cách Trái Đất hàng triệu năm ánh sáng. Quá trình các vật chất di chuyển qua các thiên hà kéo dài hàng tỷ năm.
|
Gió thiên hà sinh ra từ tâm các thiên hà. Ảnh: SkyTelescope. |
Nghiên cứu xác định hiện tượng mới với tên gọi "vận chuyển liên thiên hà". Hiện tượng này được tạo ra nhờ dòng khí và vật chất dịch chuyển ở tốc độ cao và chia tách dần các thiên hà liền kề, hay được gọi với tên "gió thiên hà". Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là nguyên nhân cho sự mở rộng cũng như chia cách các thiên hà.
"Chúng tôi biết tới 'gió thiên hà' từ các thí nghiệm trước đây. Nhưng sự di chuyển lượng lớn vật chất như vậy là một kết quả mới đầy ấn tượng", giáo sư Daniel Angles-Alcazar, người đứng đầu chương trình nghiên cứu, cho biết.
Gió thiên hà là các dòng nguyên tử tích điện có tốc độ 300 - 3.000 km/s. Gió thiên hà sinh ra từ các vụ nổ siêu tân tinh, nổ năng lượng trên các sao mới hình thành hoặc từ tâm các thiên hà.
Theo CNN, chuyên gia của Đại học Northwestern đã chạy mô hình 3D trên nhiều siêu máy tính để lần theo sự tiến hóa và mở rộng của các thiên hà ngay sau vụ nổ Big Bang. Tổng thời lượng các mô hình lên tới hàng triệu giờ.
"Chúng tôi thấy rằng những nguyên tử cấu tạo nên Trái Đất có thể cũng tồn tại ở khắp nơi trong vũ trụ. Về cơ bản, sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ những thiên hà xa xôi cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng", Angles-Alcazar kết luận.
Theo Duy Anh/Zing News