Giải pháp hỗ trợ người liệt chủ động trong sinh hoạt

Google News

Nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM, vừa tạo ra một thiết bị hỗ trợ chuyển đổi tư thế bệnh nhân liệt hai chân từ ngồi sang đứng, di chuyển độc lập, có giá thành phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam.

Giai phap ho tro nguoi liet chu dong trong sinh hoat
TS Hà Thị Xuân Chi (thứ tư từ trái sang) cùng nhóm thực hiện thiết bị Independence Mobility nhận giải Quán quân của cuộc thi IU Startup Demo Day 2023. Ảnh: VNUHCM 
Quá trình chăm sóc người bệnh bị liệt vốn vô cùng vất vả, đặc biệt là khi cần nâng đỡ họ vào nhà vệ sinh, thay quần áo hay thực hiện các sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người bệnh vận động thường xuyên, nếu không các bộ phận tay, chân sẽ yếu dần đi.
Quá trình chăm sóc và hỗ trợ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, mà những sản phẩm giúp người bệnh di chuyển độc lập phổ biến trên thế giới thì lại có giá thành quá cao - khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng
Với mong muốn tạo ra một thiết bị hỗ trợ người liệt hiệu quả, có công dụng tương tự với các thiết bị đã có nhưng giá thành rẻ hơn, nhóm 9 sinh viên đã bắt tay nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thiết bị dưới sự hướng dẫn của TS Hà Thị Xuân Chi (Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM).
Thành phẩm của nhóm ban đầu còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp để đưa vào sử dụng, như kích thước khá cồng kềnh, một số chi tiết quá nặng, máy hoạt động chưa ổn định, hơi rung, tay cầm quá dài khiến người dùng khó cầm nắm. Sau đó, nhóm đã hoàn thiện thiết bị, thiết kế lại độ dài của cánh tay đòn cũng như thêm vào bộ phận đỡ mông để đảm bảo máy hoạt động ổn định, có đủ lực nâng người bệnh lên một cách an toàn, trơn tru.
Thiết bị nhóm đem dự thi nặng khoảng 45kg, cao khoảng 80cm, dài 70cm, rộng 48cm và cánh tay đòn dài 60cm với khả năng nâng người có trọng lượng dưới 113kg.
Theo thông tin chia sẻ trên trang chủ ĐH Quốc gia |TPHCM, thiết bị có tên Independence Mobility, gồm 3 bộ phận chính: Bánh xe; hệ thống giá đỡ (đế ngang và thanh trụ đứng); pít-tông và cánh tay đòn kèm đai giữ hông. Máy vận hành dựa trên lực nâng của pít-tông và cánh tay đòn. Khi máy hoạt động, phần pít-tông sẽ hạ cánh tay đòn xuống để đai có thể giữ hông, còn phần đệm dưới ôm lấy mông, rồi đỡ người bệnh.
Giai phap ho tro nguoi liet chu dong trong sinh hoat-Hinh-2
Thiết bị Independence Mobility cao 80cm và nặng khoảng 45kg. Ảnh: VNUHCM 
“Máy có thể hỗ trợ bệnh nhân di chuyển ở tư thế đứng bằng bộ điều khiển tự động với vận tốc tối đa là 0,8m/s. Đặc biệt, thiết bị Independence Mobility còn giúp người dùng di chuyển được 360 độ nên phù hợp với hầu hết không gian hẹp”, sinh viên Lê Quang Khương, thành viên của nhóm, cho biết.
Theo nhóm, hiện nay, các sản phẩm trên thị trường đa phần là hỗ trợ bệnh nhân ở tư thế ngồi, trong khi đó thiết bị này góp phần thúc đẩy thói quen hoạt động ở tư thế đứng. “Khi đứng được, bệnh nhân cũng sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt, phục hồi chức năng; từ đó loại bỏ được tâm lý mặc cảm và dễ hòa nhập với cuộc sống hơn. Đó là tính hiệu quả của sản phẩm trong việc trị liệu vật lý và tinh thần” - Quang Khương nói.
Đáng chú ý, thiết bị này còn được thiết kế vừa vặn với cơ thể của người Việt và giá thành phù hợp với mức thu nhập của gia đình người bệnh. Sản phẩm dự kiến có giá 60 triệu đồng, kèm dịch vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn sử dụng sản phẩm của nhân viên y tế trong 2 tháng.
Tại cuộc thi IU Startup Demo Day 2023, Independence Mobility đã được trao giải quán quân và giải phụ Dự án có tính ứng dụng cao.
Nhóm cho biết sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị Independence Mobility để chuẩn bị tham gia cuộc thi Startup Wheel 2023 - cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á. Nhóm sẽ chú trọng tìm kiếm chất liệu mới để làm cho máy nhẹ hơn; thiết kế thêm các mối nối để phần lắp ráp, gấp gọn trở nên đơn giản hơn (hiện lắp ráp bằng ốc vít mất khoảng 30-60 phút), đồng thời điều chỉnh lại phần đai hông cho chắc chắn hơn.
“Riêng phần bệ đỡ mông, chúng mình sẽ làm thành dạng có độ đàn hồi tốt giống võng dù để nó có thể ôm trọn phần đùi, mông, lưng, giúp bệnh nhân vừa đứng đúng tư thế, vừa ngồi được khi mỏi và có cảm giác an toàn”, Lê Quang Khương giải thích.

Mời quý độc giả xem video: Kinh ngạc robot bốn chân di chuyển trên mọi địa hình


Theo Tuấn Đỗ/Khoa học phát triển