“Thật buồn khi mình phải dùng 4G trong chính ngôi nhà mà mỗi tháng mình đều đóng tiền Internet”, tài khoản Vu Lam đăng dòng trạng thái.
Thậm chí, một số trang, group cộng đồng còn lập các bảng khảo sát về việc nhà mạng bóp băng thông trong khung giờ tối. Đa phần kết quả khảo sát thể hiện Ineternet chậm là tình trạng chung mà người dùng đang gặp phải.
Người dùng than phiền kết nối Internet rất chậm trong khung 19-22 giờ mỗi ngày.
“Mỗi tháng đóng 200.000 đồng mà giờ mạng cứ tối đến là xoay vòng vòng”, tài khoản Tuấn Hưng bình luận bên dưới bài khảo sát của một nhóm cộng đồng trên Facebook.
Nhiều người dùng đã gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để phàn nàn. Giải pháp khắc phục tạm thời được nhân viên tổng đài đưa ra là khởi động lại modem mạng. Nếu không cải thiện, phía nhà mạng sẽ cho nhân viên kỹ thuật xuống kiểm tra đường dây theo quy trình.
Tình trạng tốc độ Internet thấp này được ghi nhận ở nhiều nhà mạng như Viettel, FPT và VNPT. Tuy vậy, chỉ việc truy cập các web đặt máy chủ ở nước ngoài như Facebook bị ảnh hưởng. Các trang web trong nước vẫn hoạt động bình thường.
Tốc độ internet nhà bạn buổi tối thế nào?
Trên fanpage của Viettel chi nhánh Đồng Nai, nhà mạng này thông báo sự cố đứt cáp biển đã ảnh hưởng đến tốc độ truy cập hướng quốc tế của tất cả nhà mạng trong nước từ 19-22 giờ.
“Dự kiến ngày 22/2, đường cáp quang biển sẽ được khắc phục xong và tốc độ sẽ trở lại bình thường”, fanpage Facebook của Viettel chi nhánh Đồng Nai viết.
Theo đại diện một nhà cung cấp Internet tại Việt Nam, hiện tuyến cáp biển quốc tế Liên Á (Intra Asia - IA) đang trong thời gian sửa chữa. Do ảnh hưởng của thời tiết nên lịch hoàn thành bị dời sang ngày 27/2.
Như vậy, lịch sửa chữa tuyến cáp IA nhánh S2 đã có tới 8 lần phải thay đổi so với dự kiến. Trong đó thời gian hoàn thành được lùi từ 29/1 đến 3/2. Sau đó lịch sửa chữa tiếp tục được dời sang 7/2, 9/2, 11/2, 13/2, 20/2 và mới nhất là 27/2.
Theo đó, khoảng 1 tuần nữa, việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế mới có thể trở lại bình thường.
Theo Zing