Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự, chế tạo 5 robot y tế hoàn thiện để đưa vào hoạt động tại Bệnh viện Bạch mai cơ sở 2, với mục đích để phục vụ bệnh nhân cách ly do COVID-19.
Với loại robot này, các công việc đơn giản như đưa thuốc men, nhu yếu phẩm, đồ ăn,... đều có thể được thực hiện một cách tự động, giúp giảm thiểu rất lớn về mặt nhân lực - vốn là thứ xa xỉ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay.
Loại robot tự động này mang tên Vibot-2, được thiết kế có khả năng mang tải lớn nhất lên tới 60 kg, tốc độ di chuyển nhanh nhất 30 mét/phút, hoạt động liên tục 12 giờ và có thể tự tìm nguồn sạc khi pin yếu. Dù có thời gian hoạt động cho mỗi lần sạc là rất lớn, tải trọng mang vác cũng cao, nhưng Vibot-2 lại có kích thước khá nhỏ gọn - đảm bảo có thể hoạt động tốt trong cả những khu vực chật chội.
Robot được thiết kế với giá đựng đồ nhiều kích thước, giá đựng thuốc, đồ dùng cá nhân và cả giá đựng rác thải y tế. Theo tính toán, mỗi robot có thể làm việc thay thế 3 - 5 nhân viên, hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày và chỉ cần vài tiếng nghỉ để sạc pin.
Vibot-2 gồm trung tâm giám sát, điều khiển và 5 robot được thiết kế theo triết lý một nền tảng - đa mục đích (One Platform - Multi Purpose) cho phép robot thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài khu vực cách ly.
“Từ cuối tháng 4/2021, hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot-2 đã được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Giữa tháng 5/2021, chúng tôi đã lắp đặt để sử dụng hệ thống Vibot-2 gồm 1 Trung tâm giám sát, điều khiển và 5 robot tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (tại Phủ Lý, Hà Nam) để thay thế nhân viên y tế phục vụ trong các khu cách ly bệnh nhân Covid-19”, Thiếu tướng GS.TS.NGND Nguyễn Lạc Hồng cho biết.
Ngoài việc sử dụng trong khu cách ly như một nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh, robot còn có thể được sử dụng để trở thành cầu nối giữa những người trong khu cách ly và bên ngoài.
Với khả năng tự xây dựng đường đi và bản đồ khu vực tự động (hoặc được nạp vào trước), Vibot-2 có thể đi vừa khu cách ly tới khu vực chỉ định một mình, không cần người điều khiển hoặc người giám sát. Thậm chí, với những công việc nặng nề cần nhiều nhân lực, nhiều Vibot-2 có thể kết nối với nhau để thực hiện chung nhiệm vụ, các robot được thiết kế đủ thông minh để không "dẫm vào chân nhau" khi cùng làm việc trên một khu vực.
Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, đề tài hướng đến mục tiêu chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ - loại robot có rất nhiều tính năng hiện đại phục vụ người bệnh với mức giá có thể lên tới 150.000USD (khoảng 3,5 tỷ đồng) một sản phẩm. Các công nghệ đã được nghiên cứu, hoàn thiện giúp các Vibot vận động linh hoạt trong môi trường bệnh viện nói riêng cũng như trong các môi trường làm việc cùng con người nói chung.
Tính ứng dụng của Vibot-2 đương nhiên không chỉ dừng lại ở việc phục vụ bệnh nhân COVID-19. Loại robot với công nghệ hiện đại này, hoàn toàn có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác, ví dụ như phục vụ các bệnh nhân thông thường tại bệnh viện, phục vụ người cao tuổi trong các trại dưỡng lão, thậm chí là phục vụ nhà hàng, phục vụ tại sân bay, bến tàu, bến xe,...
Trong tương lai, Vibot-2 sẽ còn nhận được nhiều nâng cấp hơn nữa, để có thể chủ động thêm nhiều công việc phức tạp, giúp nó hoàn toàn tự chủ trong công việc. Ở thời điểm hiện tại, Vibot-2 vẫn "chưa có tay", nghĩa là nó vẫn cần con người giúp đỡ việc chất hàng và hạ hàng. Trong tương lai, khi có thể tự chủ được cả việc chất hàng - dỡ hàng, loại robot này sẽ gần như trở thành hoàn thiện, thay thế được hoàn toàn con người trong nhiều lĩnh vực.
Trần Trân