Chắc không phải nói ai cũng hiểu rằng: Apple ra mắt cặp tai nghe AirPods Pro là để phục vụ những người đang sử dụng iPhone, iPad và máy tính Mac chứ không dành cho bất cứ một nền tảng nào khác. Apple trong quá khứ cũng đã rất nổi tiếng trong việc giới hạn tính năng của các sản phẩm của mình khi người dùng sử dụng chúng không đúng với 'sách hướng dẫn' hãng đưa ra.
Vậy nếu như bạn quá thích kiểu dáng nhỏ gọn, hay đơn giản là muốn mình trở nên 'sang' hơn với AirPods Pro hoàn toàn mới nhưng lại sử dụng smartphone Android thì sao? Ta gặp phải những trở ngại gì trong quá trình sử dụng?
|
USB Type-C (trên) và Lightning của AirPods Pro (dưới) |
Đầu tiên ta phải nói về vấn đề pin sạc. Đa phần những hãng tai nghe không dây khác trên thị trường đều đang tiến tới sử dụng chuẩn sạc USB Type-C, nên ta có thể nhanh chóng sử dụng dây sạc của smartphone để sạc chúng. Còn riêng Apple AirPods Pro, ta không bất ngờ khi hãng vẫn đang sử dụng dây Lightning mà chỉ những người dùng iPhone mới có (iPad Pro thế hệ mới nhất cũng đã chuyển qua USB Type-C).
|
Bộ phụ kiện có trong hộp của cặp tai nghe này |
Rất may là trong hộp ta cũng đã được tặng một cáp sạc Lightning, nhưng nếu mất sợi dây này đi thì người dùng Android chắc chắn sẽ phải đi kiếm sợi dây khác chứ không dùng chung được. Tiện nói về vấn đề phụ kiện độc quyền: đệm tai!
|
Do dùng chuẩn riêng nên AirPods Pro không dùng được đệm tai thông thường |
Apple AirPods Pro không có ống dẫn âm tròn giống như những cặp tai nghe trên thị trường, mà sử dụng một bộ đệm có ngàm gắn riêng do Apple 'phát minh' ra. Trong hộp ta có 3 cặp đệm với các kích thước khác nhau, nhưng nếu đúng như hãng khuyến cáo thì chỉ có 1 cặp phù hợp nhất cho mỗi người để có trải nghiệm âm thanh và chống ồn chủ động tốt nhất, nên nếu như bạn làm mất bộ phù hợp với mình thì sẽ phải tìm tới Apple để mua lại, không thể dùng chung các loại 'thông thường' khác.
|
Smartphone Android sạc được AirPods Pro khi đặt vào mặt lưng, iPhone lại không được! |
Ngược lại, một 'đặc quyền' của những người sử dụng smartphone Android cao cấp của Samsung và Huawei: ta có thể sử dụng smartphone để sạc ngược cho hộp của chiếc AirPods Pro trong khi không bất cứ thiết bị di động nào của Apple có thể làm được điều này. Trong thời gian sử dụng AirPods Pro, mình thường xuyên sử dụng Galaxy Note 10 để sạc tai nghe, nên vấn đề dây sạc Lightning phía trên cũng vì vậy mà được 'xoa dịu' phần nào
Những điều khiển khi bấm nút cảm biến lực của AirPods đều hoạt động trên smartphone Android, bao gồm dừng / chơi nhạc, chuyển bài trước sau và giữ lâu để chuyển giữa chế độ chống ồn ANC và Transparency Mode (nghe môi trường xung quanh). Siri chắc chắn là không thể sử dụng được vì lý do không thể dễ hiểu hơn: Android không có Siri, ta cũng mất đi khả năng đo độ vừa vặn của đệm tai chỉ có trên iPhone.
|
Giao diện điều khiển trên iPhone |
Thế nhưng đến đây ta gặp một 'lỗi' rất lớn khi sử dụng AirPods Pro với smartphone Android. Khi kết nối cặp tai nghe này với iPhone, ta có thể lựa chọn tắt chống ồn chủ động, nhưng khi dùng với Android ta không có bảng điều khiển nên chỉ có thể lựa chọn giữa 2 chế độ: hoặc chống ồn thì không nghe thấy gì, hoặc mở Transparency Mode thì lại nghe thấy rất rõ môi trường xung quanh, không thể dùng như tai nghe bình thường được.
Tại sao đây là lỗi lớn? Nếu như bạn sử dụng cặp tai nghe này ở nhà hoặc quán café ít người - là những không gian đủ yên tĩnh để không phải sử dụng tới chống ồn chủ động thì vẫn phải bắt buộc sử dụng nó, gây tốn thời lượng pin một cách lãng phí và cũng tạo áp lực lên tai với những người chưa quen; ngược lại bật Transparency Mode thì lại tạo tiếng ồn gây xao nhãng. Liệu rằng Apple trong tương lai có thêm một thao tác nữa để thực hiện điều này hay không? Câu trả lời có lẽ là không, vì AirPods Pro được làm ra để sử dụng với iPhone cơ mà!
|
Sony WF-1000xm3 |
Khả năng ngắt nhạc khi lấy tai nghe ra khỏi tai cũng đã bị vô hiệu hóa khi sử dụng với Android, không khác gì phiên bản AirPods thông thường trước đây. Đây là một điều khó hiểu vì chỉ là một thao tác đơn giản với cảm biến tiệm cận, không có 'công nghệ' gì độc quyền của Apple cả, có lẽ lý do đơn giản là vì 'họ thích thế'!
Về vấn đề chất âm, mời bạn đọc tham khảo thêm bài trải nghiệm nhanh AirPods Pro khi sản phẩm này vừa về tới Việt Nam, cũng như để có sự so sánh thì chuyển tới bài 'đấu tay đôi' với cặp Sony WF-1000xm3. Nhưng để nói một cách tóm gọn, thì phiên bản 'Pro' đã có chất lượng âm thanh cao hơn so với phiên bản thường do có cách đeo tối ưu, nhưng vẫn sẽ phải 'chạy dài' trước khi có thể đuổi kịp cặp tai nghe (hiện vẫn có giá rẻ hơn) đến từ Sony.
AirPods Pro cuối cùng vẫn làm ra để dùng với đồ Apple!
'Hệ sinh thái Táo' là một khu vườn kín cổng cao tường, chính vì vậy khi sử dụng những sản phẩm của hãng với những sản phẩm khác ta bỗng dưng thấy 'lệch pha' và tạo ra nhiều khó chịu cho người dùng. Tất cả những giới hạn của cặp AirPods thông thường khi sử dụng trên smartphone Android vẫn được 'bê nguyên' lên phiên bản Pro
Song cũng như trong bài đã nói, giới hạn về việc không thể điều chỉnh tắt được tính năng chống ồn chủ động là điều khó chịu nhất khi sử dụng cặp tai nghe này với bất cứ thiết bị nào không phải do Apple sản xuất. Chính vì vậy mình không khuyến nghị bất cứ ai mua AirPods Pro nếu bạn đang không ngồi yên vị trong 'khu vườn Táo', sở hữu đa phần các thiết bị của hãng này.
Phương Thảo