Ryan Chen (23 tuổi) sử dụng nền tảng hẹn hò Tantan để kết đôi với một người dùng khác sống ở thành phố Manchester, Anh. Theo mô tả của Chen, cô gái này trạc tuổi anh và có thân hình rất hấp dẫn. Khi cô xin thông tin chi tiết trên Facebook và WeChat của anh, Chen vui vẻ chia sẻ.
Tiếp theo, cô yêu cầu trao đổi ảnh, video khỏa thân với Chen và nhận được lời đồng ý. Sau đó, cô gái đột nhiên biến mất vài giờ.
Khi trở lại, người này gửi cho Chen danh sách tất cả bạn bè trên Facebook và đòi chàng trai 23 tuổi phải chuyển cho cô 4.000 USD vào tài khoản Western Union ở Philippines. Nếu không chấp nhận, cô dọa sẽ gửi video cho người quen của anh, theo The Guardian.
“Tôi không biết cô ta tải danh sách bạn bè lúc nào và làm sao biết được họ hàng của tôi là ai”, Chen bày tỏ.
|
Các trò lừa đảo tình cảm trên mạng xã hội đẩy nhiều người vào bước đường cùng. Ảnh: Tero. |
Bẫy tình cảm
Sau khi đọc về những trường hợp lo sợ bị mất việc và ảnh hưởng tới gia đình, Chen nói rằng việc tồi tệ nhất là nhiều người sẽ nhìn thấy ảnh khỏa thân của anh. Chen cũng tìm hiểu một số lời khuyên trên trang web của Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (National Crime Agency, viết tắt: NCA) và làm theo.
“Tôi đã thức cả đêm trong hoảng loạn nhưng sau đó tôi cũng bình tĩnh hơn”, Chen nói.
Chen đã báo với cảnh sát nhưng không cung cấp được nhiều thông tin về cô gái kia. Anh cũng liên lạc với họ hàng của mình để cảnh báo rằng họ có thể nhận được tin nhắn từ kẻ lừa đảo.
Sau ba tháng nhắn tin đe dọa, anh đã gọi lại và yêu cầu giải quyết dứt điểm. "Đó là lần cuối cùng tôi nghe tin từ cô ta".
Vấn nạn này gọi là "sextortion" - sử dụng danh tính giả để dụ dỗ nạn nhân thực hiện hành vi tình dục trực tuyến. Sau đó, chúng sẽ lưu lại tin nhắn, thu thập ảnh và video thân mật để tống tiền. Bọn tội phạm cũng dọa phát tán ảnh nóng, clip nhạy cảm nếu nạn nhân không đáp ứng điều kiện.
NCA cho biết các báo cáo liên quan đến hành vi tống tiền, lừa tình người khác bằng cách tiết lộ bằng chứng về hoạt động tình dục tăng vọt vào năm 2020, từ 1.607 trường hợp (năm 2019) lên 2.881. Năm 2015, số vụ lừa đảo tình cảm chỉ có 345.
Sự tuyệt vọng khi ở nhà nhiều ngày đã khiến nhiều chàng trai, cô gái tìm đến các dịch vụ mai mối, hẹn hò.
Tuy nhiên, họ không biết mình đã trở thành “mồi ngon” cho các trò lừa đảo tình cảm trên mạng xã hội. Ngoài những lời nói dối gây hụt hẫng như về chiều cao, gia cảnh, các vụ nghiêm trọng hơn còn đẩy nhiều người xuống vực sâu tâm lý.
Theo báo cáo của Action Fraud, số vụ lừa đảo tình cảm đã tăng 15% tính từ năm 2020. Trong 18 tháng qua, cơ quan này đã nhận được báo cáo của hơn 7.000 trường hợp, với tổng số tiền bị lừa lên tới 69,7 triệu bảng, trung bình gần 10.000 bảng/nạn nhân.
Những kẻ lừa đảo xây dựng lòng tin ở nạn nhân và tạo ra một mối quan hệ lãng mạn kéo dài nhiều tuần hoặc vài tháng. Khi lấy được sự tin tưởng vững chắc từ "con mồi", chúng sẽ yêu cầu họ gửi một khoản tiền lớn.
Cẩn thận với hẹn hò trên mạng
Theo NCA, “sextortion” hay lừa chat sex trên mạng là hình thức phạm tội không biên giới. Vì thế, nó đòi hỏi những biện pháp xuyên quốc gia và sự tham gia của cộng đồng.
“Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác thực thi pháp luật quốc tế về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, bảo vệ nạn nhân và xử lý tội phạm”, đại diện Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh nói.
Phần lớn kẻ lừa đảo có thể đến từ các nhóm tội phạm có tổ chức, chủ yếu ở nước ngoài. Đối với chúng, đây là một cách kiếm tiền ít rủi ro và dễ dàng nhưng lại gây hậu quả lâu dài cho nạn nhân.
Chúng thường tiếp cận “con mồi” thông qua thông qua mạng xã hội và các trang web hẹn hò.
“Đây là loại tội phạm nghiêm trọng, tấn công vào cảm xúc và tính dễ bị tổn thương của con người. Mặc dù cả nam lẫn nữ đều có thể là nạn nhân, nhưng bằng chứng của chúng tôi cho thấy nam giới trong độ tuổi 19-35 là mục tiêu chủ yếu. Chúng tôi ghi nhận ít nhất 4 vụ việc gần đây ở Anh. Nạn nhân không còn lối thoát nên đã tự kết liễu mạng sống của mình”, một phát ngôn viên của NCA cho biết.
Ứng dụng hẹn hò là nơi phổ biến để những kẻ lừa đảo tung lưới. Action Fraud chỉ ra 5 nền tảng hàng đầu mà đối tượng này thường sử dụng là Facebook, Plenty of Fish, Instagram, Tinder và Match.com.
Vào cuối năm 2020, Match Group, công ty mẹ của Plenty of Fish, Tinder, Match.com và OkCupid, đã chạy một loạt quảng cáo chống lại các hành vi lừa đảo tình cảm.
Justine Sacco, giám đốc truyền thông của Match Group, cho hay công ty này có một nhóm chuyên trách và công nghệ tinh vi để kiểm tra spam, hành vi phạm tội.
Trong đó, đội ngũ của Match group sẽ xem xét từng hồ sơ để chặn địa chỉ IP từ các quốc gia cảnh báo cao, xác định thẻ tín dụng bị đánh cắp và phát hiện từ ngữ đáng ngờ.
“Chúng tôi hướng dẫn người dùng không bao giờ gửi tiền cho người mà họ đã gặp trên mạng và báo cáo bất kỳ cá nhân nào yêu cầu việc đó. Các bước này được thiết kế để ngăn chặn hành vi tống tiền và bảo vệ nạn nhân”, Sacco nhấn mạnh.
Theo Thảo Ngân/ Zing