Giúp vật nuôi xử lý căng thẳng
Con người phản ứng với các tình huống căng thẳng bằng nhiều cách khác nhau. Có người uống nhiều cafe, bia rượu, ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc. Số khác mắc chứng ăn quá nhiều hoặc chán ăn...
Không chỉ chúng ta, động vật cũng đối mặt với căng thẳng và phải xoay xở bằng nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề này.
Các loài vật nuôi như gia súc, gia cầm và thú cưng có thể phát sinh căng thẳng về thể chất do mệt mỏi hoặc chấn thương; sinh lý do đói, khát hoặc thay đổi nhiệt độ và về hành vi do môi trường, người chăn nuôi...
Biểu hiện của căng thẳng ở vật nuôi có thể kể đến như hiếu chiến, thờ ơ, trốn tránh, cụp đuôi, chán ăn, hành vi phá hoại, thở nhanh... Các triệu chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kết hợp.
Căng thẳng không chỉ tác động đến vật nuôi mà còn gây tổn thất cho sản xuất và ngành công nghiệp nói chung. Về mặt kinh tế, động vật bị căng thẳng có hiệu suất kém, dẫn đến chậm phát triển và tăng tỷ lệ tử vong.
Căng thẳng khiến hệ thống miễn dịch của động vật suy giảm, dễ bị mắc các bệnh lở loét, tim mạch, dạ dày. Nếu stress quá cao, chúng có thể chết. Chúng sẽ mang lại ít lợi nhuận hơn cho người sản xuất.
Căng thẳng cũng tác động lên sự phát triển của động vật và liên quan trực tiếp đến thế hệ tương lai. Nó làm giảm hiệu quả của quá trình sinh sản. Chưa kể, tỷ lệ tử vong tăng lên sẽ gây ra nhiều chất thải hơn, tăng lượng khí thải nhà kính và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên quý giá.
Về mặt tình cảm, khi vật nuôi mắc bệnh tâm lý, người chăm sóc cũng bị ảnh hưởng cảm xúc và trở nên mệt mỏi, căng thẳng. Căng thẳng khiến năng suất lao động giảm, gây áp lực lên chăn nuôi - sản xuất.
Từ lâu, con người đã nhận thức được những dấu hiệu căng thẳng ở vật nuôi và xây dựng nhiều phương pháp giúp giảm tình trạng này. Có thể kể đến như mở rộng chuồng, trại; tạo không gian lành mạnh; sử dụng âm nhạc giúp vật nuôi thư giãn; cung cấp những nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng... Xử lý căng thẳng là một kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm góp phần nâng cao năng suất.
Áp lực sinh tồn
Nhiều loài động vật trở nên hiếu chiến khi căng thẳng.
Tuy nhiên gần đây, các nghiên cứu về căng thẳng đã mở rộng sang các loài động vật hoang dã. Ở động vật hoang dã, căng thẳng xuất hiện khi chúng đối mặt với những thách thức sinh tồn như tìm thức ăn, bảo vệ bản thân khỏi kẻ săn mồi...
Đơn cử, sự rình rập của những kẻ ăn thịt khiến các loài động vật khác lo lắng, trở nên thận trọng và rụt rè hơn. Việc chúng có biểu hiện nhút nhát, rụt rè, lẩn trốn... không chỉ là bản năng sinh tồn mà còn do ảnh hưởng tâm lý.
Nghiên cứu của Đại học Western, Canada, chỉ ra những con chim sẻ sinh con ít hơn 52% so với bình thường khi chúng nghe thấy tiếng kêu của quạ, loài ăn trứng chim sẻ, trong quá trình đẻ và ấp trứng.
Và khi căng thẳng xuất hiện, động vật hoang dã cũng phản ứng tương đối giống với con người. Một nghiên cứu vào đầu tháng 3 vừa qua cho thấy loài thằn lằn Whiptall, sống tại Colorado, Mỹ, mắc chứng rối loại ăn uống khi đối mặt với căng thẳng.
Loài này sống gần Căn cứ quân sự Fort Carson nên chúng thường xuyên phải “chịu đựng” tiếng động cơ ồn ào phát ra từ máy bay quân sự.
Qua quan sát và lấy máu của thằn lằn Whitpall, các nhà khoa học phát hiện trong quá trình máy bay quân sự đi qua, loài này tiết ra nhiều chất gây căng thẳng cortisol hơn bình thường. Chúng di chuyển ít hơn và ăn nhiều hơn.
Theo các chuyên gia lý giải, thằn lằn ăn nhiều hơn để bù đắp năng lượng mất đi trong quá trình tiết ra cortisol. Điều này gần giống với hành vi rối loạn ăn uống do căng thẳng ở con người.
Nhiều nghiên cứu trong thời gian qua cũng ghi nhận những phản ứng khác nhau của động vật hoang dã trước căng thẳng. Đơn cử, nhiều loài động vật bị mất ngủ.
Nhà côn trùng học Barrett Klein, làm việc tại Đại học Wisconsin-LaCrosse đã làm thí nghiệm tách một đàn ruồi giấm ra khỏi môi trường tự nhiên. Điều này khiến chúng trở nên căng thẳng, ngủ ít hơn và ăn nhiều hơn. Một số loài bướm bị ức chế tinh thần dẫn đến mất ngủ thì kiếm ăn kém hơn, đẻ trứng sai vị trí.
Ngoài ra, các nhà khoa học chỉ ra động vật cũng gặp phải vấn đề chấn thương thế hệ như con người. Đây là một hiện tượng cho rằng những chấn thương tâm lý có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ví dụ, cha mẹ sống sót qua một trải nghiệm kinh hoàng có thể ảnh hưởng đến tâm lý hoặc hành vi của con cái.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Động vật Sinh thái, các nhà khoa học chỉ ra rằng cá gai được nuôi dưỡng bởi những con cá mẹ từng tiếp xúc với kẻ săn mồi có xu hướng bị căng thẳng, lo lắng.
Trong khi đó, những con cá gai bố không gây ảnh hưởng tâm lý lên cá gai con. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể giải thích được lý do đằng sau sự ảnh hưởng này.
Theo Phạm Khánh/GD&TĐ