Mặt trăng sẽ phát sáng màu đỏ trong lần nguyệt thực toàn phần đầu tiên của năm nay vào đêm 15/5, trái ngược hoàn toàn với màu trắng sữa thông thường của trăng tròn.
Theo EarthSky, nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 22h27 ngày 15/5 theo giờ ET, còn nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 23h29 giờ ET. Nguyệt thực một phần sẽ kết thúc lúc 0h53 sáng theo giờ ET ngày 16.5 và nguyệt thực toàn phần sẽ kết thúc lúc 1h55 giờ ET ngày 16/5.
Theo NASA, nguyệt thực xảy ra khi Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời thẳng hàng, với Mặt trăng đi qua bóng của Trái đất.
Khi trăng tròn di chuyển vào bóng của Trái đất, nó sẽ tối đi, nhưng sẽ không biến mất. Ánh sáng Mặt trời đi qua bầu khí quyển của Trái đất chiếu sáng Mặt trăng một cách ấn tượng, khiến nó có màu đỏ - đó là lý do tại sao đây thường được gọi là "Trăng máu".
Noah Petro, trưởng Phòng thí nghiệm Địa chất, Địa vật lý và Địa hóa học của NASA, cho biết không phải ai cũng có thể nhìn thấy nguyệt thực toàn phần trong lần xuất hiện đêm nay.
|
Trăng máu. Ảnh: NASA
|
Nguyệt thực toàn phần sẽ được nhìn thấy ở Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ và Bắc Mỹ (ngoại trừ các khu vực Tây Bắc) trong ngày 15-16/5.
Một nguyệt thực toàn phần khác thứ hai trong năm nay sẽ xuất hiện ở Châu Á, Australia, Thái Bình Dương, Nam Mỹ và Bắc Mỹ vào ngày 8/11. Sau đó, sẽ không có nguyệt thực toàn phần nữa cho đến tháng 3/2025, theo ông Petro.
Việc xem nguyệt thực bằng mắt thường là hoàn toàn an toàn. “Điều tuyệt vời về nguyệt thực là bạn không cần thiết bị nào khác ngoài niềm đam mê và hứng thú với bên ngoài và một đường chân trời rõ ràng” - ông Petro nói.
Để có điều kiện quan sát tối ưu, hãy tránh ánh sáng chói và các tòa nhà cao tầng có thể cản trở tầm nhìn. Mặc dù cực điểm của nguyệt thực có thể chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng tông màu của Mặt trăng sẽ thay đổi trong suốt đêm, theo Petro. Những thay đổi này khiến hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này trở nên thú vị khi xem trong suốt thời gian nguyệt thực hơn là tại một thời điểm cụ thể.
Nếu trời nhiều mây hoặc với những người không thể xem được nguyệt thực trực tiếp, chẳng hạn như ở Việt Nam, có thể xem buổi phát trực tiếp trên kênh Youtube chính thức của NASA.
Theo Khánh Minh / Lao Động