Điều hiếm hoi Nga tự hào “vượt mặt” Mỹ: Chinh phục Sao Kim

Google News

Có một điều khó tin nhưng nửa thế kỷ trước, Liên Xô đã hạ cánh tàu thăm dò đầu tiên trên một hành tinh khác chứ không phải Mỹ.

Dieu hiem hoi Nga tu hao “vuot mat” My: Chinh phuc Sao Kim
 
Vào cuối những năm 1950, chương trình vũ trụ của Liên Xô phát triển bùng nổ chưa từng có. Mỗi năm đều có sứ mệnh thành công, như phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, đưa sinh vật sống đầu tiên vào không gian, bay quanh Mặt trăng và chụp ảnh vùng tối của thiên thể này.
Những thành công đó đã thúc đẩy các nhà khoa học và kỹ sư Liên Xô theo đuổi các cuộc chinh phục lớn hơn, như hạ cánh xuống một hành tinh khác ngoài Trái đất.
Vào tháng 8/1959, một cuộc họp đã được triệu tập, và vào ngày 10/12, một nghị định của chính phủ đã ban hành về việc thiết lập các trạm cho sứ mệnh tới Sao Kim (và cả Sao Hỏa).
Nhiệm vụ trong bóng tối
Nhóm nghiên cứu đã quyết định sứ mệnh đầu tiên là đến sao Kim vì hành tinh này gần Trái đất nhất. Vào thời điểm đó, Liên Xô có tên lửa R-7 - đứa con tinh thần của nhà khoa học Sergei Korolev - đã phóng vệ tinh nhân tạo và đưa con người vào vũ trụ.
Đối với một nhiệm vụ sâu trong không gian, tên lửa cần phải trải qua một đợt nâng cấp lớn. Một kế hoạch thử nghiệm được đề ra, trong đó tàu thăm dò trực tiếp sẽ hạ cánh xuống bề mặt của hành tinh bằng dù. Không cần phải nói, nhiệm vụ hạ cánh đầu tiên của Liên Xô đã thất bại.
Thực tế là vào thời điểm đó, các nhà khoa học Liên Xô thực sự tin rằng sao Kim có bầu khí quyển tương tự như Trái đất cũng như có nước và sự sống (công bằng mà nói, các nhà khoa học Mỹ thời đó cũng tin vào điều tương tự).
Đó là lý do tại sao sứ mệnh Venera 1 được thực hiện. Sau cùng, Venera 1 đã thất bại do bị mất tín hiệu, khiến nó bay qua hành tinh này khoảng 100,000km vào năm 1961. Ở quy mô vũ trụ, đó cũng không phải là một kết quả tệ vì cũng chưa có ai đến gần Sao Kim hơn như thế.
Tiếp theo đó là một chuỗi các phi vụ thất bại kéo dài hàng thập kỷ nhằm chinh phục sao Kim. Venera 4, Venera 5 và Venera 6 bị xé toạc bởi áp suất khí quyển. Nhưng ở mặt tích cực, dữ liệu do các tàu thăm dò truyền về trái đất đã cung cấp thông tin chính xác về thành phần khí quyển, nhiệt độ và áp suất của hành tinh.
Hóa ra bầu khí quyển của sao Kim có 90% là carbon dioxide, có áp suất và nhiệt độ “cao ngất trời”. Nói cách khác, có tìm thấy sự sống trên Sao Kim hay không là câu trả lời mà ai cũng biết.
“Tôi đã chứng kiến các nhà khoa học thất vọng như thế nào khi họ không tìm thấy sự sống trên sao Kim. Hai người trong số họ thậm chí còn nói rằng cuộc sống của họ thật vô ích vì chính giấc mơ này đã đưa họ đến với khoa học... Một trong số họ sau này đã trở thành một giáo sĩ”, nhà báo chuyên về không gian Vladimir Gubarev nhớ lại trong cuốn sách của anh.
Kể từ thời điểm đó, chương trình không gian Venera thay đổi trọng tâm: Nhiệm vụ là tìm hiểu xem đã từng có sự sống trên sao Kim hay chưa.
Phép màu
Thành công cuối cùng đã đến với sứ mệnh Venera 7, nhưng trên thực tế là Venera 17 nhưng Liên Xô không muốn công khai những thất bại của mình, theo RBTH.
Sau một cuộc tranh luận khoa học kéo dài, đã tính đến tất cả các yếu tố đầu vào, các kỹ sư đã quyết định phát triển một tàu đổ bộ mới có khả năng chịu áp suất 180 atm và nhiệt độ 540C trong 90 phút. Thân của nó không được làm bằng hợp kim nhôm-magiê như trong các tàu thăm dò Venera trước đây mà bằng titan, giúp tăng sức chống chịu và trọng lượng tăng lên nửa tấn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thiết bị mang theo cũng bị hạn chế. Cờ hiệu của tàu mang hình ảnh của lãnh tụ Lenin và lá cờ Liên Xô với biểu tượng búa liềm quen thuộc.
Venera 7 được phóng vào ngày 17/8/1970. Để dự phòng, năm ngày sau, một tàu vũ trụ giống hệt cũng được phóng lên. Tuy nhiên, con tàu này không đến được sao Kim do một vụ nổ động cơ khiến nó không thể rời quỹ đạo Trái đất.
Rất may, tàu vũ trụ đầu tiên đã đến vùng cận Sao Kim 120 ngày sau đó và vào ngày 15/12 đánh dấu chuyến hạ cánh đầu tiên của con người trên một hành tinh khác (cuộc đổ bộ lên Mặt trăng nổi tiếng của Mỹ vào tháng 7/1969 được coi là hạ cánh trên một thiên thể chứ không phải hành tinh khác).
Thành công của Venera 7 giống như một phép màu, bởi trong suốt nhiệm vụ, khả năng xảy ra sự cố là rất lớn. 23 phút sau khi hạ cánh, tàu thăm dò đã truyền dữ liệu trực tiếp từ bề mặt hành tinh.
Hành tinh bị lãng quên
Sau Venera 7, một thế hệ tàu vũ trụ mới đã bay đến hành tinh này, cho phép Liên Xô đảm bảo vị trí dẫn đầu trong việc khám phá Sao Kim và trở thành quốc gia đầu tiên có được hình ảnh đầu tiên từ bề mặt của hành tinh. Bức ảnh được chụp chưa đầy sáu tháng sau bởi Venera 8. Đó là những bức ảnh đầu tiên từ bề mặt của một hành tinh khác ngoài Trái đất.
Tổng cộng, Liên Xô đã phóng 27 tàu vũ trụ lên Sao Kim. Tàu cuối cùng là Venera 16, sau đó một chương trình không gian mới có tên Vega được thay thế. Năm 1984-1986, bằng việc sử dụng khinh khí cầu thăm dò, Nga đã nghiên cứu thành công bầu khí quyển Sao Kim và thu được dữ liệu chính xác nhất cho đến nay về hành tinh này.
Nhưng thông tin về Sao Kim vẫn còn rất ít, cần phải có một trạm liên hành tinh chính thức trong bầu khí quyển của Sao Kim để thu thập dữ liệu nhưng điều này sẽ tốn rất nhiều tiền. Đó là lý do tại sao trong nhiều năm, Sao Kim đã bị các nhà nghiên cứu lãng quên.
Sự chú ý về Sao Kim đã quay trở lại vào tháng 10/2020 khi theo nghiên cứu mới nhất, hợp chất khi phosphine có thể chỉ ra sự hiện diện của sự sống. Phosphine hiện diện trong bầu khí quyển Sao Kim trong lớp mây.
Roscosmos đang lên kế hoạch cho một sứ mệnh tới Sao Kim vào năm 2029, nhưng có khả năng nó có thể diễn ra sớm hơn, vào năm 2027.
Theo Trương Mạnh Kiên/ Người đưa tin