Ngày 19/8, BlackBerry cho biết sẽ kết hợp với FIH Mobile, công ty con của Foxconn và OnwardMobility để ra mắt smartphone BlackBerry hỗ trợ mạng 5G trong năm 2021.
Dưới thỏa thuận mới, BlackBerry, OnwardMobility và FIH Mobile sẽ cùng phát triển để tạo ra chiếc smartphone có thiết kế “đẳng cấp thế giới”.
Theo đó, OnwardMobility sẽ lên kế hoạch phát triển sản phẩm, FIH Mobile lo liệu phần cứng còn BlackBerry sẽ đóng góp thương hiệu và hỗ trợ quá trình phát triển.
Một trong những đặc trưng của điện thoại BlackBerry là bàn phím QWERTY vật lý sẽ xuất hiện trên chiếc smartphone này. Với mạng 5G, mẫu smartphone mới được nhắm đến người dùng doanh nghiệp tại Mỹ và châu Âu.
“Smartphone BlackBerry nổi tiếng với độ bảo mật thông tin liên lạc, quyền riêng tư và dữ liệu. Đây là cơ hội tuyệt vời cho OnwardMobility để mang những thiết bị 5G đến thị trường với sự giúp sức của BlackBerry và FIH Mobile”, Peter Franklin, CEO OnwardMobility chia sẻ.
OnwardMobility là startup có trụ sở tại Texas (Mỹ) chuyên cung cấp giải pháp bảo mật di động. Công ty này mới được thành lập vào tháng 3/2019, có chưa đến 50 nhân viên.
John Chen, CEO BlackBerry cũng bày tỏ hào hứng với sản phẩm sắp ra mắt. Ông cho biết người dùng sẽ được trải nghiệm khả năng bảo mật cấp độ doanh nghiệp và chính phủ trên chiếc smartphone BlackBerry hỗ trợ 5G.
|
Mẫu smartphone mới sẽ do BlackBerry hợp tác với OnwardMobility và FIH Mobile sản xuất. Ảnh: BlackBerry.
|
Đây không phải lần đầu smartphone BlackBerry được “hồi sinh”. Năm 2016, TCL đã ký hợp đồng phát triển và sản xuất smartphone BlackBerry. Đến ngày 3/2, công ty này tuyên bố chấm dứt hợp tác với BlackBerry, ngừng bán mọi smartphone từ 31/8/2020.
Khi hợp tác với TCL, mẫu smartphone BlackBerry gây tiếng vang nhất là KeyOne chạy Android với bàn phím QWERTY vật lý.
BlackBerry cũng không phải cái tên duy nhất “hồi sinh” theo kiểu này. Một trong thương hiệu smartphone từng rất phổ biến là Nokia cũng trở lại vào năm 2017 dưới sự tiếp quản của HMD Global.
Từ khi Chen tiếp quản BlackBerry vào cuối năm 2013, ông đã thực hiện nhiều thay đổi nhằm tập trung vào phần mềm. Công ty đã ngừng sản xuất điện thoại mang nhãn hiệu riêng vào năm 2016 và để cho đối tác thực hiện điều này. Phần lớn doanh thu của BlackBerry đang đến từ lĩnh vực phần mềm và cung cấp dịch vụ cho các công ty lớn.
Bản thân BlackBerry cũng có những thành công nhất định sau khi đạt thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu sản xuất phần cứng cho TCL. Công ty này chuyển sang kinh doanh phần mềm với khả năng sinh lợi cao hơn, nhất là lĩnh vực an ninh mạng và IoT (Internet of Things).
Theo Phúc Thịnh/Zing