Apple luôn nhấn mạnh về chiều sâu tư tưởng trong thiết kế các sản phẩm của hãng. Trong lời tựa của cuốn sách mà công ty phát hành vào năm 2016, Jony Ive đã giải thích cách Apple cố gắng " thiết kế các sản phẩm dễ sử dụng" và "đơn giản, nhất quán và quen thuộc" đến mức không thể thay thế.
Nhưng đôi khi, Apple lại mắc sai lầm với chính tư tưởng thiết kế của mình. Bài viết dưới đấy sẽ điểm qua một số sản phẩm được coi là "thảm họa thiết kế" của Apple
1. Magic Mouse 2
Ra mắt vào năm 2015, Magic Mouse 2 được Apple ca ngợi là một sản phẩm chuột đột phá với bề mặt cảm ứng có thể nhận dạng được các thao tác vuốt và một số cử chỉ khác. Về thiết kế, những đường cong bóng bẩy và bề mặt trông liền mạch của Magic Mouse 2 khiến nó được coi là một hình mẫu về nghệ thuật thiết kế của Apple. Nhưng đó là khi chúng ta chưa để ý đến vị trí cắm sạc của nó.
Trong một quyết định được cho là khó hiểu, Apple đã chọn đặt cổng sạc ở mặt dưới của Magic Mouse 2, điều này được cho là để bảo toàn thiết kế liền mạch của sản phẩm. Thiết kế này vô tình đã đem đến những bất tiện khi sử dụng. Khi hết pin, người dùng không thể vừa sử dụng vừa sạc, thay vào đó người dùng cần phải cắm sạc và chờ sạc đầy pin mới có thể tiếp tục sử dụng.
Vào tháng 4 năm 2021, Apple đã công bố phiên bản iMac mới và đem đến một loạt các phụ kiện đi kèm trong đó có một phiên bản Magic Mouse 2 hoàn toàn mới với nhiều màu sắc tùy chọn. Thế nhưng, Apple vẫn tỏ ra rất "bảo thủ" khi đặt phần sạc của Magic Mouse 2 ở phần mặt dưới.
Magic Mouse 2 hiện đang được bán với mức giá khoảng 79 USD.
2. Apple/Siri Remote (2015-2021)
Kể từ khi Apple ra mắt Siri Remote vào năm 2015, sản phẩm này đã nhận được rất nhiều sự phản đối đến từ phía người dùng.
Mẫu điều khiển này được trang bị một bàn di chuột bằng kính, có thể nhấp để phản hồi các thao tác vuốt và cử chỉ để điều hướng tvOS. Nó cũng có hai nút bên dưới để điều khiển phát lại các phương tiện giải trí như nhạc hoặc video. Nó thậm chí còn có một gia tốc kế và bộ điều khiển game.
Bạn có thể nghĩ rằng chiếc điều khiển này khá ổn nhưng thực tế nhiều người cho rằng, nó là môt thảm họa về công thái học. Lý do là bởi chiếc điều khiển này quá nhỏ dẫn tới việc cầm nắm không được chắc chắn, dễ rơi. Thậm chí nó còn rất dễ bị lọt xuống khe ghế sofa.
Bộ cục các phím bấm được sắp xếp không trực quan, dẫn tới việc ấn nhầm vào nút Siri. Đó là chưa kể độ nhạy cao của bàn di chuột bằng kính đôi khi khiến việc điều hướng trên màn hình trở nên khó khăn đối với người dùng.
Với thiết kế đối xứng, đôi khi người dùng không thể phân biệt được đâu là chiều đúng của chiếc điều khiển khi sử dụng trong môi trường ánh sáng yếu. Chưa dừng lại ở đó, chiếc điều khiển của Apple chỉ có một phiên bản màu đen và không có đèn nền để người dùng dễ dàng sử dụng khi trời tối.
Để phần nào khắc phục các khuyết điểm của thiết kế cũ, Apple đã thiết kế lại Siri Remote vào năm 2021 sau khi ra mắt Apple TV 4K. Mẫu điều khiển của năm 2021 có thiết kế hoàn toàn mới và được cải tiến với giao diện clickpad mới cho phép điều hướng theo 5 cách.
3. Apple Pencil (Thế hệ đầu tiên)
Apple Pencil thế hệ đầu tiên cũng được xếp vào danh sách các sản phẩm có thiết kế thảm họa của Apple. Mẫu bút thông minh này được cho ra mắt vào năm 2015 cùng với Magic Mouse 2. Sẽ là hoàn hảo nếu chúng ta không nhắc đến cổng sạc Lightning của chiếc bút này.
Phần chân sạc lightning được Apple tích hợp ở phần đuôi của Apple Pencil, bạn có thể sạc chiếc bút thông minh này thông qua cổng sạc của iPad. Thời gian sạc cũng khá nhanh, chỉ mất 15 giây sạc là đã có thể dùng được chiếc bút này trong vòng 30 phút.
Tuy nhiên Apple có vẻ chưa tính đến các thiệt hại tiềm ẩn có thể gây ra cho cả hai thiết bị nếu bạn vô tình đè bút lên vật gì đó khi đang cắm sạc khiến cổng sạc iPad bị hỏng.
Bên cạnh đó khi sạc Apple Pencil, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ không thể sạc được iPad nữa. Nói cách khác, bạn không thể sạc bút và máy tính bảng cùng một lúc.
Apple vẫn bán Apple Pencil thế hệ đầu tiên với giá 99 USD nhưng rất may là hãng đã cải tiến và chuyển đổi sang tính năng sạc không dây trên thế hệ thứ hai.
4. Smart Case AirPods Max
Khi Apple công bố tai nghe over-ear AirPods Max cao cấp trị giá 599 USD vào năm 2021, đã có nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh chiếc Smart Case để đựng tai nghe đi kèm của Apple.
Apple cho biết, Smart Case của AirPods Max được thiết kế với mục đích giúp AirPods Max chuyển sang trạng thái "năng lượng cực thấp giúp tiết kiệm pin khi không sử dụng". Nó đúng là hữu ích khi tai nghe không có công tắc tắt tích hợp nhưng chính vẻ ngoài kỳ lạ của chiếc hộp đựng lại khiến người dùng liên tưởng đến nhiều thứ khác.
Smart Case nhanh chóng tạo ra một cơn bão meme khi nhiều người so sánh nó với túi xách, nội y đến thậm chí cả bộ phận cơ thể.
5. Bàn phím cánh bướm (2015-2019)
Năm 2015 và 2016, Apple đã giới thiệu mẫu bàn phím cánh bướm trên các dòng máy MacBook và MacBook Pro. Thiết kế bàn phím cánh bướm được Apple tinh giảm độ dày của phần switch mà không làm mất đi cảm giác ấn. Đáng buồn thay, thiết kế bàn phím cánh bướm của Apple đã trở thành một trong những thiết kế tồi tệ nhất của hãng và khiến nhiều người dùng không khỏi bực mình.
Tất cả các bàn phím bướm trong các mẫu MacBook Pro, MacBook và MacBook Air được giới thiệu từ năm 2016 đến 2019 đều rất dễ bị hỏng. Cơ chế bàn phím mỏng manh và dễ vỡ đến nỗi mảnh vụn nhỏ nhất cũng có thể làm gãy phím. Điều khiến cho người dùng cảm thấy phẫn nộ hơn cả là cấu tạo của các mẫu Macbook khiến việc thay thế linh kiện bàn phím trở nên rất khó khăn. Bạn bắt buộc sẽ phải đem MacBook đến trung tâm sửa chữa của Apple để tháo rời toàn bộ máy và thay thế bàn phím mới.
Tới năm 2016, Apple đã cho ra mắt loại bàn phím mới nhằm khắc phục các vẫn đề trước đó. Thế nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại khi bàn phím thế hệ mới liên tục bị hỏng và rất nhiều khách hàng đã phàn nàn về vấn đề này. Thay vì thừa nhận sai lầm, Apple tiếp tục có những cải tiến bàn phím cánh bướm vào năm 2018 và 2019. Dù vậy những lời phàn nàn về thiết kế bàn phím này vẫn chưa dừng lại.
Vào tháng 5/2018, một loạt các vụ kiện tập thể chống lại Apple nổi lên. Rất nhiều người dùng MacBook bị hỏng bàn phím đã đâm đơn kiện Apple vì hãng từ chối nghĩa vụ bảo hành và sửa chữa bàn phím miễn phí.
Một tháng sau, Apple đã ngầm thừa nhận các vấn đề khi tung ra "chương trình dịch vụ bàn phím mở rộng" dành cho MacBook sử dụng bàn phím cánh bướm. Tới tháng 5/2019, chương trình này đã được mở rộng cho tất cả các mẫu MacBook trang bị bàn phím cánh bướm, mặc dù Apple thừa nhận rằng họ sẽ không bao giờ đặt niềm tin vào một thiết kế tồi như vậy nữa.
6. Mac Pro (2013-2019)
Apple tin rằng tầm nhìn cấp tiến của hãng đối với tương lai của dòng máy tính chuyên nghiệp đã chứng minh những người phản đối đã sai. Apple đã trải qua một thời gian dài để đạt được các tiến bộ về mặt kỹ thuật và đổi mới với dòng Mac Pro. Apple cho biết, Mac Pro mới của hãng cung cấp hiệu suất tổng thể gấp đôi so với thế hệ trước. Bên trong Mac Pro được làm mát bằng một chiếc quạt lớn ở trên cùng, giữ cho máy Mac luôn yên tĩnh khi thực hiện các tác vụ nặng.
Bộ vi xử lý Intel Xeon và GPU máy trạm AMD FirePro kép cho phép máy cung cấp sức mạnh tính toán tới 7 teraflop. Tuy được trang bị phần cứng mạnh mẽ và khối trụ bằng nhôm màu đen bao bọc là điểm nhấn không thể nhầm lẫn thì vẫn có những lo ngại đáng chú ý trên sản phẩm Mac Pro của Apple.
Các chuyên gia sáng tạo chắc chắn sẽ cảm thấy hụt hẫng với việc Mac Pro thiếu khe cắm bên trong để nâng cấp card đồ họa và thêm bộ nhớ.
Tại cuộc họp với các phóng viên vào năm 2017, CEO Apple đã xin lỗi và thừa nhận mẫu Mac Pro 2013 là một sai lầm trong thiết kế. Để khắc phục tình trạng này, Apple đã hứa hẹn về một hệ thống Mac Pro dạng mô-đun mới màn hình bên ngoài mới và một mẫu iMac Pro mới cho người dùng chuyên nghiệp.
Theo Macrumors/ Viettime