Trong tháng tới, nhà máy Gigafactory 3 của Tesla tại Trung Quốc, cụ thể là Thượng Hải sẽ bắt đầu bước vào quá trình sản xuất mẫu xe hơi điện Model 3. Là tên tuổi uy tín bậc nhất trong lĩnh vực xe hơi điện, Tesla có những kế hoạch lớn dành cho thị trường đông dân nhất thế giới này, nhưng trước tiên, họ sẽ phải tìm cách đối phó với hàng loạt những kẻ thách thức tại đây, bao gồm cả công ty xe hơi điện có doanh số bán ra cao nhất thế giới.
Thị trường Trung Quốc, nơi Tesla đạt mức doanh thu trung bình khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong vòng 3 năm trở lại đây, có khá nhiều công ty sản xuất xe hơi điện. Điều này biến Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng thứ nhì đối với Tesla (sau Mỹ), và là thị trường xe hơi điện lớn nhất thế giới. Chỉ trong năm ngoái, đã có đến 1,25 triệu chiếc xe hơi điện được bán ra ở nước này.
Nhưng cụ thể thì những đối thủ Tesla tại Trung Quốc là ai? Trung Quốc hiện là quê nhà của hơn 100 công ty xe hơi điện, nhưng có một số cái tên nổi bật hơn hẳn so với phần còn lại. Dưới đây là 6 công ty xe điện lớn nhất Trung Quốc mà bạn cần biết.
BYD
Với doanh số 247.811 xe bán ra, BYD (trụ sở tại Thâm Quyến) vượt mặt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe hơi điện (EV) hàng đầu thế giới trong năm 2018 khi dẫn trước đến 2.300 xe. Công ty được chống lưng bởi Warren Buffet này còn là nhà sản xuất xe bus điện lớn nhất thế giới. Năm nay, BYD dự kiến sẽ bán được nhiều EV hơn các xe hơi chạy nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Không như Tesla, trước khi chuyển sang sản xuất xe hơi điện, BYD đã là một công ty xe hơi truyền thống có tiếng tăm. Nhưng trước cả khi sản xuất xe hơi, công ty này khởi nguồn là một nhà sản xuất pin sạc, lọt vào nhóm các nhà sản xuất pin điện thoại lớn nhất thế giới. Hiện nay, họ vẫn là một trong những nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới!
|
BYD thuê Leonardo DiCaprio làm người phát ngôn cho dòng sản phẩm Tang 100 của hãng
|
EV có các dòng EV giá tốt và trung cấp, và công ty đang hướng đến sản xuất các mẫu EV cao cấp trong thời gian tới. Qua nhiều năm, BYD đã trở thành một cái tên quen thuộc tại Trung Quốc, dù rằng tên công ty chỉ là một dãy các ký tự vô nghĩa được đặt với mục đích...đứng trên cùng trong danh bạ điện thoại. Mới đây, công ty nói rằng BYD có nghĩa là "Build Your Dreams" (Xây giấc mơ của bạn).
BAIC
BAIC có lẽ là nhà sản xuất EV nổi tiếng thứ nhì ở Trung Quốc. Năm ngoái, công ty này có doanh thu hơn 4 tỷ USD từ việc bán EV.
BAIC, viết tắt của Beijing Automotive Industry Holding Co., là một trong nhiều nhà sản xuất xe hơi thuộc sở hữu nhà nước tại Trung Quốc. Đây còn là đối tác sản xuất của Hyundai và Daimler AG - chủ sở hữu Mercedes-Benz.
|
BAIC có nhiều mẫu EV đang bán trên thị trường, hầu hết chúng đều rất rẻ
|
Công ty này là tiên phong trong chiến lược EV giá rẻ của Trung Quốc. Các mẫu xe cao cấp của BAIC có giá khoảng 17.000 USD, và chúng chiếm đến 90% tổng doanh số của BAIC.
SAIC
SAIC là một công ty xe hơi thuộc sở hữu nhà nước khác. Nhưng công ty trụ sở tại Thượng Hải này là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Quốc và là đối tác tại Trung Quốc của General Motors và Volkswagen.
Cả GM lẫn VW đều tìm đến SAIC để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường EV Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất là Baojun, nhãn hiệu xe hơi dành riêng cho thị trường Trung Quốc thuộc sở hữu của SAIC-GM-Wuling Automobile (một công ty liên doanh giữa General Motors, SAIC Motor và Liuzhou Wuling Motors).
Ban đầu được xem là một nhãn hiệu giá rẻ của các nhãn hiệu thuộc GM như Chevrolet và Buick, Baojun hiện trở thành một nhãn hiệu EV phổ biến đối với người tiêu dùng trẻ tuổi.
|
Một trong những mẫu EV phổ biến nhất của Baojun, E100
|
Volkswagen cũng hợp tác với SAIC để tung ra nhiều phiên bản chạy điện của các mẫu xe hơi phổ biến của mình. Do đó, thay vì các mẫu Bora, Lavida, và GOLF truyền thống, SAIC Volkswagen sắp sửa tung ra các mẫu e-Bora, e-Lavida, và e-GOLF tại Trung Quốc.
NIO
Có lẽ bởi các mẫu xe cao cấp với thiết kế thanh lịch của mình nên Nio thường được gọi là Tesla của Trung Quốc. Công ty này vui vẻ đón nhận sự so sánh này và sắp tung ra mẫu Nio ET trông chẳng khác gì bản sao của Tesla Model S.
Khi Nio lần đầu tung xe hơi điện ra thị trường, họ đã mang đến rất nhiều sự lạc quan cho cộng đồng đam mê xe hơi Trung Quốc. Họ còn thu hút được nhiều nhà đầu tư, mà lớn nhất trong số này là gã khổng lồ công nghệ Tencent. Startup này thậm chí còn lên sàn chứng khoán NYSE năm ngoái, chỉ 4 năm sau khi thành lập, thu về khoảng 1 tỷ USD.
|
Nio ET trông như một bản sao của Model S
|
Nhưng hi vọng nhiều rồi lại thất vọng. Gần đây người ta phát hiện ra Nio đang thất thoát hàng tấn tiền, buộc hãng phải cắt giảm hàng ngàn nhân công. Uy tín của công ty tụt xuống đáy sau khi một loạt xe hơi Nio bốc cháy vì lỗi pin. Vào tháng 6 vừa qua, công ty đã triệu hồi gần 5.000 xe.
Trong quãng thời gian 4 năm, Nio đã thiệt hại đến 5 tỷ USD, một "cột mốc" ấn tượng mà Tesla phải mất 15 năm mới đạt được. Cổ phiếu công ty cũng giảm đến hơn 70% kể từ khi lên sàn.
XPENG
Xpeng là một công ty EV khác tạo dựng hình ảnh rất giống Tesla. Và cũng như Nio, công ty này có một ông lớn công nghệ chống lưng: Alibaba.
Đồng sáng lập Xpeng, He Xiaopeng, đã công khai rằng Xpeng chịu ảnh hưởng nhiều từ Tesla. Các nhân viên công ty được cho là đã rã xác nhiều xe hơi Tesla để hiểu được phương thức tạo ra chúng. Tesla từng chỉ ra những điểm tương đồng giữa xe của họ và xe của Xpeng trong một vụ kiện nhằm vào một cựu nhân viên bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, khẳng định Xpeng đã "bắt chước trắng trợn thiết kế, công nghệ và thậm chí là cả mô hình kinh doanh của Tesla".
|
Khi Xpeng lần đầu xuất hiện, hãng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của truyền thông
|
Công ty trụ sở tại Quảng Châu này có một lượng fan tại Trung Quốc. Vào tháng 6 vừa qua, công ty đã bán ra chiếc SUV thứ 10.000 của mình. Xpeng G3 SUV có phạm vi hoạt động lên đến 365 km chỉ trong một lần sạc.
BYTON
Byton là một startup tại Nam Kinh, thành lập bởi các cựu lãnh đạo của Nissan và BMW. Hãng này đã khiến cả ngành công nghiệp xe hơi bị sốc khi ra mắt chiếc SUV chạy điện tại CES 2018 với bảng điều khiển bao gồm một màn hình cong kích thước lên đến 48-inch.
|
Bảng điều khiển ấn tượng đấy!
|
Chiếc SUV cao cấp này có tên là M-Byte, có thể chạy tôi đa 270 dặm sau mỗi lần sạc. Một vài bản tin gần đây cho biết M-Byte hiện đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn sản xuất. Xe sẽ được bán ra tại Trung Quốc trước khi xuất hiện tại Mỹ và châu Âu với giá khởi điểm 45.000 USD.
Thảo Nguyễn