Bất lực vì không thể tách con ra rời màn hình máy tính, nhiều phụ huynh Trung Quốc chọn biện pháp cuối cùng là đưa con vào trại cai nghiện Internet để chữa “bệnh”. Bắt kịp tâm lý của phụ huynh, các trại cai nghiện mọc lên như nấm. Nhưng trong số đó, nhiều trại hoạt động chui, áp dụng những biện pháp điều trị tàn bạo và không có cơ sở khoa học.
Địa ngục trần gian
Để được con “chữa bệnh” trong trại cai nghiện Internet, phụ huynh Trung Quốc phải đóng một khoản tiền không hề nhỏ là 30,000 NDT (khoảng 103 triệu đồng) trong 6 tháng. Học viện Yuzhang Shuyuan tự nhận là trung tâm giáo dục hướng nghiệp và áp dụng triết học Khổng tử để đào tạo thanh niên đang bị khủng hoảng có cuộc sống tốt hơn.
|
Vì muốn con tách khỏi màn hình máy tính, phụ huynh Trung Quốc đã gửi con vào trại cai nghiện internet. |
Theo bức ảnh quảng cáo mà ngôi trường này đăng tải, các thanh thiếu niên mặc đồng phục, ngồi trong lớp học đọc văn, luyện chữ. Nhưng trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 28/10, nickname Shan Ni Ma Da Wang (17 tuổi) nói rằng phương pháp giảng dạy của nhà trường rất tàn nhẫn. Các giáo viên tại trai cai nghiện internet đánh đập học viên bằng thước sắt và những sợi dây thép dài gấp 30 lần rồi nhốt họ vào căn phòng kín không cửa sổ trong suốt một tuần.
|
Theo quảng cáo từ truyền thông, các trại cai nghiện cho học sinh đọc sách, luyện chữ… |
Kể lại quãng thời gian kinh hoàng tại trại cai nghiện, Shan Ni nói cô bị bố mẹ “lừa” vào đây từ năm 2014, khi 14 tuổi. “Bố mẹ nói sẽ cho tôi đi du lịch ở Nam Xương, nhưng khi vừa đặt chân tới đây, tôi bị lôi tới trại cai nghiện và các nhân viên còng tay lại“, cô chia sẻ.
Shan Ni cũng cho biết thêm, khi vào trại, các nhân viên lấy hết đồ vật sắc nhọn, dây và thậm chí là cả áo ngực phòng khi học viên ý định tử tự. Sau đó, họ nhốt cô vào một căn phòng không cửa sổ trong 3 ngày. Trong căn phòng chỉ có một chiếc chăn bẩn, một xô nước và một chiếc bát còn chưa được rửa sạch.
|
Theo Shan Ni, phương pháp của trại cai nghiện rất khắc nghiệt và bạo lực. |
Trong một cuộc phỏng vấn với Beijing Times, Shan Ni từng bị các giáo viên tại trại cai nghiện dùng thước sắt đánh vào tay 13 lần. Cô cũng từng nghe thấy tiếng la hét thảm khốc trong tuyệt vọng của một cô gái bị giáo viên dùng roi sắt quất vào mông.
Để thoát khỏi sự đày đọa của “địa ngục trần gian”, đã có lần Shan Ni tìm đến cái chết nhưng bất thành.
|
Nhiều trung tâm cai nghiện internet áp dụng phương pháp tàn bạo, không có cơ sở khoa học. |
Bài viết của Shan Ni được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Nhiều cựu học sinh tại trại cai nghiện cũng đồng loạt lên tiếng xác nhận thông tin về việc lạm dụng thể chất và tinh thần khủng khiếp không khác gì nhà tù của các ngôi trường đó.
Zhou Yi, một cựu học viên khác, nói rằng ngay từ khi bước chân vào đây, anh đã bị lột trần rồi nhốt vào phòng tối. Khi được thả ra, Zhou cứ nghĩ mình bị nhốt 7-8 ngày dù chỉ ngồi trong phòng tối 3 ngày.
“Nấm mồ” chôn “thây” thanh thiếu niên
Không ít thanh thiếu niên không chịu được áp lực tại trai cai nghiện mà tìm tới cái chết để giải thoát cho bản thân. Hồi đầu tháng 8 năm nay, Liu, một nam thanh niên 18 tuổi, đã chết sau khi được đưa vào trại cai nghiện Internet ở tỉnh An Huy chỉ vài ngày.
|
Một thanh niên đang được kiểm tra điện não đồ tại Bệnh viện Trung ương Quân khu Bắc Kinh. |
Theo lời mẹ Liu, bà đưa con trai tới trại cai nghiện internet ngày 3/8, nhưng 2 ngày sau nhận được tin con trai đã được đưa tới bệnh viện và qua đời ngay sau đó. Nguyên nhân tử vong vẫn chưa được xác định. Theo bác sĩ, trên cơ thể Liu có tới 20 vết thương bên ngoài và một số chấn thương bên trong.
Trường hợp khác xảy ra vào cuối tháng 7 tại trại cai nghiện internet ở thành phố Tây An. Một cậu bé 16 tuổi đã tự sát bằng cách nhảy từ tầng 5 xuống. Hay tháng 9 năm ngoái, cô bé 16 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang đã giết hại mẹ đẻ và treo cổ tự sát sau khi bị đưa vào trại cai nghiện Internet 4 tháng.
Theo Hà Phương/Sao Star