Gần đây, một số quốc gia châu Á như Thái Lan, Trung Quốc ghi nhận nhiều trường hợp chết người thương tâm do ong bắp cày gây ra. Hồi cuối tháng 7, một hướng dẫn viên du lịch Thái Lan bị hàng nghìn con ong bắp cày bâu kín, đốt cho đến chết. Thậm chí, khi người này đã chết, đàn ong dữ vẫn vây kín thi thể trong 3-4 ngày tiếp theo khiến không ai dám lại gần nạn nhân.
Mới đây nhất là trường hợp 8 người trong một gia đình ở Trung Quốc bị đàn ong bắp cày tấn công trên đường trở về từ lễ tang của người thân. 3 người trong số này chết vì sốc phản vệ, những người còn lại bị đốt hàng trăm vết, nằm tê liệt dưới mặt đất.
Điểm chung của 2 trường hợp này là việc các nạn nhân đều đi vào khu vực có tổ ong bắp cày. Vậy nguyên nhân gì khiến ong bắp cày tấn công người và làm thế nào để giữ được mạng sống khi bị chúng tấn công?
Làm thế nào để tránh bị ong bắp cày tấn công?
Theo chia sẻ của chuyên gia nghiên cứu ong bắp cày Ben Aldiss trên Guardian năm 2018, ong bắp cày thường tấn công trong 2 tình huống. Thứ nhất là khi chúng đi tìm thức ăn, thường là ở khoảng cách khá xa so với tổ của chúng. Trong trường hợp này, việc chúng tấn công người là hành động tự vệ và những con ong bắp cày khác không "hùa theo".
Aldiss cho rằng con người bị đốt nếu chạm phải lũ ong (dù vô tình hay cố ý) hoặc chúng bâu vào quần áo và con người di chuyển. Nếu một con ong bắp cày đậu lên người, đừng cố phủi hay gạt nó. Hãy để nó tự bay đi vì thời gian nó đậu lại không quá lâu. Ngoài ra, nếu nó bị mắc kẹt vào quần áo - trường hợp này dễ khiến con người bị ong đốt nhất vì chỉ một cử động nhẹ cũng khiến lớp vải tác động tới con ong, hãy đứng yên lâu nhất nếu có thể.
Thứ hai là tình huống nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu vô tình giẫm phải tổ ong bắp cày hoặc bị một con ong bắp cày đốt trong vùng cấm của chúng (cách tổ ong bắp cày khoảng 3m), nạn nhân sẽ bị những con ong khác tấn công ngay tức khắc. Mục đích của hành động này là nhằm đuổi những kẻ có thể gây đe dọa khỏi lãnh địa của chúng.
Ong bắp cày là loài có xu hướng bảo vệ lãnh thổ
Vậy phải làm thế nào trong trường hợp vô tình giẫm phải một tổ ong bắp cày? Nghiên cứu của chuyên gia Aldiss chỉ ra rằng ong bắp cày thường tấn công vào các vật thể sẫm màu chuyển động gần tổ của chúng. Vì vậy, mặc quần áo sáng màu sẽ giúp giảm nguy cơ bị ong bắp cày tấn công.
Trong khi đó, Natalie Bungay, nhân viên tại Hiệp hội kiểm soát dịch hại Anh (BPCA), cho hay, ong bắp cày tấn công khi chúng cảm thấy bị đe dọa.
"Một con ong bắp cày khi bị tấn công sẽ tiết ra một chất để báo cho đồng loại "bật chế độ phòng thủ", lúc ấy chúng tấn công điên cuồng. Chính xác là khi một con ong bắp cày gặp nạn, nó sẽ gọi "viện binh"", Bungay chia sẻ trên BBC năm 2018.
Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) khuyên rằng đừng cố dùng tay xua đuổi trong trường hợp bị ong bắp cày tấn công. Hành động này chỉ khiến lũ ong thêm hung dữ.
Debugged, trang blog của tập đoàn kiểm soát dịch hại Rentokil, cho hay, việc giả chết với ong bắp cày là hành động dại dột. Ngoài ra, trang blog này còn khuyên: "Việc nhảy xuống nước cũng không có tác dụng vì lũ ong bắp cày có thể chờ tới khi bạn hết dưỡng khí và phải nổi lên".
Không giống ong mật, ong bắp cày không chết sau khi đốt người. "Khi bị một con ong đốt, sẽ không có gì nguy hiểm nhưng 30-40 vết đốt thì lại khác. Nạn nhân sẽ chết", Bungay chia sẻ.
Theo Daily Mail, ong bắp cày sợ mùi của một số loài thực vật như bạc hà, bạch đàn hay ngải cứu. Trang Goodhouse Keeping dẫn tin từ nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Khoa học quản lý dịch hại cho biết, sự kết hợp giữa tinh dầu đinh hương, phong lữ và sả sẽ khiến ong bắp cày tránh xa con người.
Ngoài ra, một cách khá hiệu quả để ong bắp cày không lảng vảng xung quanh nhà là làm tổ ong bắp cày giả. Những con ong bắp cày có xu hướng bảo vệ lãnh thổ quyết liệt, chúng sẽ tấn công những con khác đàn nếu lãnh địa bị xâm phạm. Vì vậy, ong bắp cày rất cảnh giác và thường tránh xa nếu thấy tổ ong bắp cày khác.
NHS khuyến cáo nếu bị ong bắp cày đốt, mọi người nên rút các ngòi của chúng còn sót trên da và rửa sạch bằng xà phòng. Các bác sĩ cũng khuyên rằng chườm đá vào vết đốt khoảng 10 phút có thể giảm sưng tấy.
Theo Nguyễn Thái/Dân Việt