Trong văn học, Nguyễn Tuân có phong cho một dòng sông ở vùng Tây Bắc Việt Nam biệt danh “con ngựa bất kham”. Nó đẹp, nhưng nó khó trị. Điều này hoàn toàn có căn cứ, bởi đến cả các nhà khoa học Pháp thời trước, những người được xem là thiên tài hàng đầu thế giới cũng phải rụt rè khi đứng trước dòng sông này. Họ gọi nó là “ma cà rồng” khi sở hữu tầng cuộn sỏi dày đến 70 mét dưới đáy sông, trong lòng đất còn có những tầng đứt gãy ngầm (hiện tượng kast). Chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam nghiên cứu, giúp đỡ cũng phải lắc đầu ngao ngán: “Dòng sông này quá khó trị”.
Dòng sông được nhắc đến ở đây chính là sông Đà. Nó là con quái vật kinh khủng nhất của vùng Tây Bắc nước ta. Nó đẹp nhưng nguy hiểm, đáng sợ và có thể nuốt chửng mọi thứ khi cơn cuồng nộ nổi lên.
Ấy thế mà trong thời điểm hòa bình mới lập lại, khó khăn trăm bề, Việt Nam đã tạo ra được thứ khắc chế “con quái vật” sông Đà đó. Nhà máy thủy điện Hòa Bình ra đời với sự giúp đỡ của các chuyên gia, máy móc từ Liên Xô là minh chứng cho việc con người có thể chế ngự thiên nhiên, khuất phục cả “con quái vật” tự nhiên khó trị nhất.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình xây dựng từ năm 1979 đến năm 1991, trên dòng sông Đà. Đây là đập thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian 1994 – 2012 (sau này nhà máy thủy điện Sơn La đã phá kỷ lục).
Đập thủy điện Hòa Bình có vai trò to lớn với miền Bắc nói riêng và cả Việt Nam nói chung. Đây không chỉ là nguồn cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện nước ta mà còn cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, điều tiết mực nước sông ở hạ lưu. Sau khi đi vào hoạt động, đập thủy điện Hòa Bình đã cải thiện đáng kể việc đi lại bằng đường thủy ở cả thượng lưu và hạ lưu. Có thể nhiều người không biết, năm 2004, công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ chủ yếu được vận chuyển bằng con đường này.
Đập thủy điện Hòa bình được thiết kế theo những tiêu chuẩn an toàn nhất thế giới. Nó là loại đập thủy điện “mềm” do không dùng bê tông. Loại đập này có lõi chống thấm bằng đất sét, nền đáy đập được gia cố bằng bê tông, thủy tinh lỏng, bên ngoài đổ đất, đá chịu lực nên không thể bị “vỡ ục”. Điều này cho phép đập thủy điện Hòa Bình có thể chống lại được những cơn động đất cấp 8, cấp 9. Cho dù đập có bị rò rỉ cũng có đủ thời gian sửa chữa.
Trong trường hợp nếu chiến tranh xảy ra, chỉ cần địch phá hủy vài cột điện chính hoặc trạm biến áp đặt trên mặt đất thì nhà máy này dù không hỏng cũng trở nên “vô tích sự”.
Bàn về độ an toàn của đập thủy điện Hòa Bình, ông Ngô Xuân Lộc (người từng 8 năm làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, sau này làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng rồi Phó Thủ tướng Chính phủ) từng chia sẻ với VTC News: “Thiết kế cho phép nó chịu được khoảng 4 quả bom nguyên tử như công suất loại mà Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945".
Cũng chính ông Ngô Xuân Lộc đã chia sẻ về con đập thế kỷ của Việt Nam như sau: “Đập thủy điện này vỡ vào lúc nước đầy, thì ít nhất 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẽ không còn một nóc nhà và khoảng 12 triệu dân ra... cua cá hết. Nóc nhà ga Hàng Cỏ ở Hà Nội sẽ ngập dưới cả chục mét nước. Đây là nơi thấp nhất thủ đô. Tóm lại là Hà Nội thành... hồ”.
Theo Sở Hữu Trí Tuệ