Nguy cơ tụt hậu nếu không tiếp cận Al
Chiều ngày 22/9, trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022) đã diễn ra 3 phiên hội thảo với các chủ đề về "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" và "Tự động hóa trong sản xuất".
Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia đã nêu ý kiến về thực trạng cũng như đóng góp các giải pháp hướng tới việc phát triển AI một cách đồng bộ và hiệu quả trong tương lai.
|
Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel. Ảnh: Vnexpress. |
Trong bài trình bày về "Sự thay đổi về quy trình nghiệp vụ khi đưa nền tảng số ứng dụng AI vào tiến trình chuyển đổi số ngân hàng", ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel dẫn báo cáo gần nhất của Accenture công bố ngày 8/6/2022 cho biết, hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có đang thử nghiệm AI.
Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng đều tìm đến AI với phong thái thăm dò, thử nghiệm trong đó, chỉ 12% sử dụng ở mức độ trưởng thành (ứng dụng bề mặt). Đặc biệt, các công ty này đã có mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI.
Theo ông Vinh, trong 3 năm tới, tích luỹ về cơ sở dữ liệu AI sẽ mang lại giá trị lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Đây là giai đoạn rút ngắn thời gian để đưa lại giá trị cho doanh nghiệp. AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng
"42% chuyên gia tại các doanh nghiệp chưa hiểu nguy cơ bị tụt hậu nếu không tiếp cận AI. Do đó với vai trò đơn vị tư vấn và mang giải pháp, chúng tôi tập trung xây dựng khái niệm chung về AI, từ đó góp phần giúp công ty đưa ra quyết định đầu tư để tối ưu chi phí", ông Vinh nói.
|
Tham quan, trải nghiệm tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Mai Loan. |
Trong bài tham luận "Ứng dụng AI tại MoMo: Đằng sau trải nghiệm của hàng chục triệu người dùng”, từ thực tế của một doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh của MoMo đã chia sẻ kết quả của việc ứng dụng Al.
Theo đó, về hiệu quả kinh doanh, so sánh 6 tháng, ông Đặng Hoàng Vũ chia sẻ, vay nhanh của MoMo đã tăng 260%; ví trả sau tăng 42%; tỷ lệ rủi ro của vay nhanh giảm 15%, của ví trả sau giảm 64%.
Về mặt người dùng, AI đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Cụ thể, đối với sản phẩm vay nhanh, quy trình phê duyệt mất khoảng 3 phút, tỷ lệ được duyệt chiếm khoảng 60%.
"Nếu so sánh với sản phẩm tín dụng online, chúng tôi rút ngắn thời gian khoảng 6 lần, tỷ lệ được duyệt tăng gấp rưỡi. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa AI và các bộ phận khác", ông Vũ cho biết.
Đào tạo AI mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng
TS Đinh Minh, Chủ nhiệm cấp cao chương trình Thạc sĩ Trí tuệ nhân tạo, Đại học RMIT chia sẻ, hiện nay ngành phát triển AI rất nhanh và sâu, nên khó tìm được một chuyên gia có đủ và sâu các kiến thức về trí tuệ nhân tạo như Machine Learning, ngôn ngữ... để theo kịp sự phát triển này. Trong khi đó, lĩnh vực đào tạo AI chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu tuyển dụng.
|
Khách mời tham gia phiên thảo luận với chủ đề "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo". Ảnh: Vnexpress. |
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho hay, AI đang dần trở thành một ngành công nghiệp và là một nghề, vì vậy, khó khăn về nguồn lực là chuyện của cả thế giới. Trong đó, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực làm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam khá lớn. Do việc phát triển nhanh và sâu, nên rất khó tìm được một người giỏi AI toàn diện.
Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu Tối ưu, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một số trường đại học ở Việt Nam đã mở ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Mới đây, Bộ Giáo dục đã đồng ý chính thức mở mã đăng ký ngành cho khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (có hiệu lực từ ngày 22/7/2022). Điều này phần nào khẳng định sự hợp tác cùng thúc đẩy ngành của xã hội, Bộ Giáo dục và các bộ ban ngành.
Về giải pháp khắc phục, theo các chuyên gia, cách tốt hơn cả bắt tay đào tạo nhân lực với các doanh nghiệp. “Họ là nhóm đối tượng cần nguồn nhân lực chất lượng cao và các trường đại học thì cần hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng tốt để đào tạo”, ông Nguyễn Xuân Hoài cho hay.
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo AI4VN 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ các Khoa-Viện-Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU). Ngày hội Trí tuệ nhân tạo diễn ra trong 2 ngày, 22-23/9 tại Hà Nội.
Mời quý độc giả xem video: "Những khoảnh khắc đáng chú ý trong phiên điều trần của CEO các hãng công nghệ Mỹ". Nguồn: VTV 24.
Mai Loan