Theo Daiy Mail, Trái đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng, là những thảm họa mà sinh vật sống bị tuyệt diệt trong khoảng thời gian ngắn, ở một khu vực rộng lớn.
|
Cuộc đại tuyệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử là do biến đổi khí hậu.
|
Đại tuyệt chủng kinh hoàng nhất trên Trái đất được ghi nhận ở thời kỳ chuyển giao giữa kỷ Permi và kỷ Trias, cách đây 250 triệu năm trước.
Cuộc đại tuyệt chủng tồi tệ đã quét sạch 96% loài sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn.
Các nhà nghiên cứu từ lâu tranh luận về điều gì đã gây ra đại tuyệt chủng lớn như vậy. Mưa thiên thạch và núi lửa phun trào hàng loạt được cho là những yếu tố quan trọng.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Brock ở Ontario, Canada đã kiểm tra lượng khí gas bị mắc kẹt trong những tảng đá cổ đại. Họ phát hiện bằng chứng cho thấy, đại tuyệt chủng bao trùm Trái đất cách đây 250 triệu năm là do biến đổi khí hậu.
|
Đại tuyệt chủng cách đây 250 triệu năm trước đã quét sạch 96% sinh vật sống trong đại dương. |
Các nhà khoa học phân tích, núi lửa phun trào tạo ra một lượng lớn khí CO2, dẫn đến việc nhiệt độ Trái đất tăng thêm 11 độ C.
Nhiệt độ tăng cao khiến cho lớp băng vĩnh cửu tan ra nhanh chóng, để lộ các mỏ khí metan khổng lồ. Những mỏ khí này càng làm gia tăng tốc độ nóng lên toàn cầu.
“Dựa trên lượng khí gas bị mắc kẹt trong tảng đá, khí metan là nguyên nhân chính khiến sự sống trên Trái đất bị tuyệt diệt trong giai đoạn cuối kỷ Permi”, Tiến sĩ Uwe Brand, người đứng đầu nghiên cứu nói.
“Hiện tượng ấm lên toàn cầu được kích hoạt bởi khí CO2 là điều đáng báo động, nhưng lượng khí metan thoát ra ngoài mới thực sự là thảm họa”, ông Brand nói.
“Sự kiện đại tuyệt chủng kinh hoàng nhất lịch sử là bài học quan trọng đối với nhân loại, trong bối cảnh con người ngày nay phải đối mặt với khí thải nhà kính, hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu”.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt