Theo Ancient Origins, các nhà khảo cổ Mexico - Mỹ vừa phát hiện ra rằng đài thiên văn Aztec nổi tiếng trên núi Tlaloc có quy mô khổng lồ hơn nhiều so với những gì từng được tìm thấy trước đây.
Cấu trúc chính của đài thiên văn cổ đại ngự trên núi Tlaloc - Ảnh: Ben Meissner
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Exequiel Ezcurra từ Trường Đại học California ở Riveside (Mỹ) đã kết hợp một số bản thảo cổ của người dân bản địa nơi đài thiên văn núi Tlaloc tọa lạc, kết hợp với các dữ liệu về cảnh quan lẫn đài thiên văn cổ đại từng được khai quật trước đó.
Họ nhận ra một điều đặc biệt làm thay đổi hẳn vấn đề. Đài thiên văn Tlaloc không chỉ gồm cụm di tích mang hình dáng như một chiếc chìa khóa khổng lồ, mà là cả dãy núi Sirerra Nevada nơi Tlaloc thuộc về.
Cụm cấu trúc giống một chiếc chìa khóa hay chiếc búa khổng lồ, gồm một phòng hình chữ nhật và một con đường dài với vách vững chắc hai bên - Ảnh: Ben Meissner
Cụ thể hơn, người Aztec cổ đại - một nền văn minh phồn thịnh giai đoạn thế kỷ 14-16 - đã tận dụng rất nhiều cấu trúc tự nhiên trên dãy núi để làm những dấu mốc cho việc quan sát thiên văn, kết hợp nó với phần cấu trúc họ đã xây dựng, tạo nên một đài thiên văn nửa nhân tạo, nửa tự nhiên độc nhất vô nhị trên thế giới.
Với quy mô khổng lồ, đài thiên văn Aztec trên núi Tlaloc đã giúp cư dân cổ đại xác định chính xác đến từng ngày để có thể trồng trọt, thu hoạch phù hợp với thời tiết nhất. Điều này đã tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại và phồn thịnh đến mức gây choáng ngợp những đoàn quân Tây Ban Nha xâm lược vào 500 năm về trước.
Đỉnh núi Tepeyac được nhìn thấy nhô lên khi đứng nhìn từ cuối con đường đá. Nó chính là một trong các cột mốc thiên văn tự nhiên - Ảnh: Ben Meissner
Các kết quả cũng như mảnh ghép quý báu rất khớp với các tài liệu Tây Ban Nha ghi chép về người Aztec, trong đó ca ngợi hệ thống lịch và nông nghiệp của họ.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.
Theo Thu Anh/Người lao động