Theo Live Science, STEVE kéo dài khoảng 40 phút, sau khi cực quang bao phủ bầu trời phương Bắc giảm xuống. Hiện tượng kỳ thú đã được ghi lại trọn vẹn bởi nhà thiên văn học kiêm nhiếp ảnh gia Alan Dyer ở miền Nam Alberta - Canada.
|
STEVE ở Canada, xuất hiện sau cực quang do Trái Đất trúng "pháo vũ trụ" - Ảnh: ALAN DYER
|
STEVE là gì? - đó vẫn là câu đố không lời giải đối với giới thiên văn khắp thế giới. Nó giống cực quang phần nào, nhưng không phải cực quang. STEVE là một dải sáng màu tím, có thể xuất hiện cùng một "hàng rào ánh sáng" màu xanh lá cây kề cận giống cực quang. Nó rất hiếm khi xuất hiện, nhưng cũng thường đồng hành với các sự kiện từ quyển Trái Đất bị ngôi sao mẹ tấn công.
Hiện tượng ma quái mới nhất này gắn liền với 2 ngày ròng Trái Đất hứng bão địa từ - là những quả pháo sáng đầy năng lượng bắn ra từ Mặt Trời, đâm sầm vào từ quyển Trái Đất.
Bão địa từ làm nhiễu động từ trường hành tinh, có thể ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, định vị... mà phổ biến nhất là những vụ mất điện vô tuyến sóng ngắn hay hệ thống GPS một số nơi bị "chập giật". Vào đêm 7-8, rạng sáng 8-8 vừa qua, Trái Đất đã hứng một cơn bão địa từ, khiến cực quang "bùng cháy" khắp bầu trời phương Bắc.
STEVE xuất hiện sau đó, như một bất ngờ.
STEVE là chữ viết tắt của cụm từ mang nghĩa "tăng cường vận tốc nhiệt mạnh", là một dòng khí nóng, mỏng, dài, cắt ngang bầu trời hàng trăm km. Các quan sát vệ tinh cho thấy không khí nó bên trong STEVE có thể đạt tới nhiệt độ tới 3.000 độ C.
Một số giả thuyết cho rằng STEVE có thể liên quan đến sự bùng nổ đột ngột của năng lượng nhiệt và động năng được kích hoạt trong các cú va chạm của các hạt mang điện cao trong bầu khí quyển, khi xảy ra bão địa từ. Thế nhưng chưa giả thuyết nào đứng vững và STEVE vẫn là một bí ẩn kể từ khi nó được xác định vào năm 2017.
Theo Anh Thư/Người lao động