COVID-19: Thuận tự nhiên virus phải suy yếu… liệu Delta có tàn?

Google News

Theo quy luật, virus phát triển hình đồi, leo dốc, lên đỉnh, rồi xuống dốc để chấm dứt. Delta cũng thế, đột biến làm gia tăng sự lây nhiễm, sau đó lên đỉnh, rồi xuất hiện đột biến bất lợi làm cho virus mất dần. Biến thể khác lại xuất hiện thay thế.

Tốc độ lên đỉnh cực khủng khiếp
Trao đổi với Tri thức & Cuộc sống, BS. Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới đang chứng kiến một bước ngoặt khó khăn với sự xuất hiện của biến thể Delta.
COVID-19: Thuan tu nhien virus phai suy yeu… lieu Delta co tan?
Tốc độ lên đỉnh của Delta quá khủng khiếp. 
Sự xuất hiện của một biến chủng lây lan mạnh đã làm chệch hướng mọi tính toán của các nước, kể cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và đặt ra những thách thức chưa từng có.
Khi Delta mới xuất hiện, không ai nghĩ nó có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc áp đảo so với các biến thể khác như vậy. Nhưng chỉ trong một thời gian, mọi thứ vượt quá sức tưởng tượng của con người.
Đồng quan điểm, BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết nhìn vào sự xuất hiện của Delta sẽ thấy, mức độ lây nhiễm ban đầu của chúng không quá nhanh. Với chủng hoang dã ban đầu, trong năm 2020 Mỹ kéo dài 9 tháng mới đạt tới con số 100.000 ca nhiễm mỗi ngày.
Nhưng đột nhiên, kể từ đầu năm 2021 nó bỗng dưng tăng tốc, nhanh chóng thống trị toàn thế giới. Ấn Độ chỉ mất đúng 6 tuần để số ca nhiễm mỗi ngày gấp 4 lần so với đỉnh dịch năm ngoái. Nhìn lại tốc độ lên đỉnh của Delta quá khủng khiếp.
BS. Trần Văn Phúc phân tích: SARS-CoV-2 là một chủng virus với cấu trúc di truyền ARN sợi đơn, có kích thước dài nhất trong số các virus. Một sợi ARN dài như vậy sẽ rất dễ đột biến, Delta là một trong vô vàn những đột biến ấy. Đặc biệt, chính biến thể Delta đã có những đột biết làm cho nó lây nhiễm nhanh gấp bội.
Với Delta, tải lượng virus gấp 1260 lần so với chủng hoang dại ở Vũ Hán ban đầu, vì thế mà người bệnh sẽ thải ra môi trường lượng virus rất lớn, dẫn tới hệ số lây nhiễm R0 = 9, cao nhất so với tất cả các virus từ trước tới này, làm cho khả năng lây nhiễm tăng 225%.
Vì vậy, con người có dùng mọi biện pháp cũng không ngăn chặn nổi biến thể Delta, trong khi độc lực của biến thể này lại cao nhất, nó gây bệnh nặng ở ngay cả người trẻ khoẻ không có bệnh nền, tử vong cả ở đàn ông trẻ, thậm chí cả những người đã tiêm đủ liều vắc xin
Xuất hiện đột biến bất lợi?
Theo quy luật tự nhiên, sau khi đạt đỉnh, virus sẽ suy yếu. Với sức càn quét như sóng thần của Delta, nhiều người đặt câu hỏi, liệu “dị nhân” này có đến ngày kết thúc?
COVID-19: Thuan tu nhien virus phai suy yeu… lieu Delta co tan?-Hinh-2
"Dị nhân"Delta càn quét khủng khiếp nhiều quốc gia trên thế giới.  
BS. Hoàng Xuân Đại cho biết, thông thường tất cả các chủng virus mới, khi gây dịch bệnh, thì độc lực luôn cao; phải mất thời gian khá lâu độc lực mới giảm, virus cúm cũng như vậy, trong lịch sử mỗi chủng cúm kéo dài nhiều năm và giết chết nhiều triệu người rồi mới biến thành bệnh đặc hữu cúm mùa như hiện nay.
Với Delta, BS. Trần Văn Phúc dẫn lời nhà bác học Isaac Newton từng nói: "Cái gì đi lên sẽ phải đi xuống- what goes up must come down. Và biến thể Delta gây ra làn sóng dịch thứ tư này cũng vậy".
Những đột biến làm cho Delta lây nhiễm nhanh gấp bội, nhưng khi lên tới đỉnh, ở đó Delta có thể lại xuất hiện đột biến bất lợi cho chính bản thân nó, từ đấy virus bắt đầu lao dốc với tốc độ nhanh không kém khi lên đỉnh.
Vị chuyên gia này phân tích: SARS-CoV-2 có đặc điểm vật chất di truyền là cấu trúc ARN sợi đơn dài nhất trong số tất cả các virus, gồm các Nucleotid liên kết với nhau theo chiều dọc bằng các liên kết cộng hoá trị. Vì cấu trúc sợi đơn quá dài, nên theo logic thì biến thể Delta có tần suất đột biến cũng nhiều hơn hẳn các virus khác. Có những đột biến có lợi giúp virus phát triển mạnh mẽ, có những đột biến có hại làm virus suy yếu đi.
“Tôi quan sát thấy kể từ tháng 4 cho đến giữa tháng 7, biến thế Delta hoành hành đến nỗi chẳng gì có thể ngăn cản được và nó bẻ gãy mọi hệ thống y tế, nhưng từ cuối tháng 7 trở đi bắt đầu có dấu hiệu suy giảm”, BS. Trần Văn Phúc cho hay.
Cụ thể, từ Ấn Độ, cho đến nước Anh và cả châu Âu, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản… đều theo quy luật ấy. Trung Quốc cũng vậy, các ổ bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4, nhưng đến nay về cơ bản đã khống chế được thành công. Hai quốc gia Đông Nam Á thiệt hại nặng nề nhất là Indonesia cũng đang giảm nhanh, còn Malaysia bắt đầu giảm dần số ca nhiễm mỗi ngày.
Theo quy luật tự nhiên, virus sẽ phát triển hình đồi, nghĩa là có giai đoạn phát triển leo dốc, lên đỉnh, rồi xuống dốc để chẩm dứt. Biến thể Delta cũng sẽ tuân theo quy luật như thế, ban đầu là những đột biến làm gia tăng sự lây nhiễm của virus, sau đó lên đỉnh, rồi xuất hiện những đột biến bất lợi làm cho virus không thích nghi rồi mất dần. Biến thể khác lại xuất hiện thay thế.
“Tôi hi vọng điều mình dự đoán sẽ đúng và có thể giúp các bạn đỡ lo lắng. Nhưng mỗi người không được phép chủ quan bắt buộc chúng ta phải chống dịch bằng các biện pháp nỗ lực hết sức".
Đặc biệt, theo các chuyên gia, virus có giảm còn phụ thuộc vào chính sự kiểm soát của con người. Ngoài ra, virus sẽ tiếp tục biến đổi, và chưa biết rằng liệu Delta đã phải là cái kinh khủng nhất hay điều không thể tưởng tượng được vẫn chờ ở phía trước. Vì thế mọi người dân phải tiêm phòng, thực hiện tốt 5K đặc biệt là tự thay đổi hành vi cá nhân và cùng nhau xây dựng bức tường chặn virus. Chỉ khi đó, chúng ta mới đẩy lùi được đại dịch.
COVID-19: Thuan tu nhien virus phai suy yeu… lieu Delta co tan?-Hinh-3
COVID-19: Thuan tu nhien virus phai suy yeu… lieu Delta co tan?-Hinh-4

Mời độc giả xem video: Lô xoài cát đầu tiên của Việt Nam đã đến Mỹ. Nguồn: VTV24.


Sơn Hà