Công nghiệp hỗ trợ vì sao cứ mãi kém cỏi?

Google News

Đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương trên cả nước (giảm ở 3 địa phương). Trong các ngành công nghiệp, lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 9,5%, tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Hàng loạt đơn hàng xuất khẩu xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử và chế biến thực phẩm... tăng trưởng tích cực, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm hơn 88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 7 tháng qua, đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. 

Cong nghiep ho tro vi sao cu mai kem coi?

Tiềm năng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo trong nước là rất lớn
 

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), kết quả này có được là nhờ hàng loạt các giải pháp đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt. “Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng phủ trong giải ngân đầu tư vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm đã cho thấy hiệu quả. Thu hút giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước. Các Bộ, ngành, địa phương đã đồng hành cùng với các hiệp hội DN để tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các FTA, trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực…”, ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Từ hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian qua, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khẳng định, tiềm năng để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công nghiệp chế tạo trong nước là rất lớn. “Bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến cơ khí, điện, điện tử, nhựa cao su hay tự động hóa,… Việt Nam đều có thể xuất khẩu được. Sản phẩm có thể xuất khẩu tốt nhất hiện nay là linh kiện xe máy, xe đạp và một số ít linh kiện ô tô. Những lĩnh vực công nghệ cao hơn như quạt gió, tuabin quạt gió hay thiết bị y tế… chúng ta cũng đã làm được”, bà Bình đánh giá.

Theo đại diện Hiệp hội CNHT Việt Nam, khó nhất đối với CNHT, công nghiệp cơ khí, chế tạo của Việt Nam hiện nay chủ yếu là sản xuất các linh kiện rời, trong khi yêu cầu của thị trường thế giới đòi hỏi phải là sản phẩm hoàn chỉnh, hoặc ít nhất cũng là những cụm linh kiện hoàn chỉnh. Cùng với đó là giá thành cũng phải cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các thị trường xuất khẩu khác (trong đó Trung Quốc là công xưởng sản xuất lớn).

“Thị trường hiện nay yêu cầu DN phải sản xuất được linh kiện hoàn chỉnh, hoặc sản phẩm hoàn chỉnh theo dạng OEM nhưng đầu tư mới rất cao, vượt quá khả năng của các DNNVV. Do đó, hỗ trợ lãi suất vay là cực kỳ quan trọng và cũng là điều các DN băn khoăn nhất. Nếu như hỗ trợ lãi suất được 3% - 4% như dự thảo của Nghị định 111/NĐ-CP là rất quý. Bên cạnh đó, các địa phương như TP.HCM đã có quỹ hỗ trợ đầu tư sản xuất CNHT, nên các tỉnh khác có thể có được quỹ này để hỗ trợ được 2% - 3 % lãi suất vay, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển”, bà Bình kiến nghị.

Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng là phải xem “nội lực” của khu vực DN trong nước; Trên cơ sở của nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp cơ khí chế tạo, CNHT, cơ quan quản lý nhà nước, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường kết nối các nhà chế tạo nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam để chế tạo các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các dự án kinh tế trọng điểm của đất nước.

“Thay vì DN chạy đi "xin" xuất khẩu nhưng đạt hiệu quả thấp, nên có chiến lược phát triển đầu tư trong nước. Thương vụ cùng với các DN trong nước hỗ trợ để tìm các quốc gia có những nhà cung cấp, cùng làm với mình trong một số dự án, có ưu đãi cho họ một số điều kiện nhất định. Chỉ cần 5 năm sau hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất lớn”, ông Sáng đề xuất.

Cong nghiep ho tro vi sao cu mai kem coi?-Hinh-2

Nhiều DN CNHT muốn đầu tư cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng mức đầu tư quá lớn, vượt quá khả năng
 

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nêu thực tế, phần lớn DN CNHT là DNNVV (88%), điểm yếu là thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. Đa số DN có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Sự thiếu liên kết giữa các DN cũng đang kìm hãm sự phát triển của CNHT. Các DN trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các DN đầu chuỗi và DN nước ngoài. Vì vậy, để nâng cao “nội lực” của DN CNHT nói riêng và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành nền tảng, cần tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN đã được Chính phủ thông qua. 

Đồng thời, thúc đẩy và đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới, nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Cũng cần có cơ chế khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu nếu DN trong nước đã sản xuất được.

Theo Nguyên Long/VOV1