 |
Chân dung cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái |
Từ một tuổi thơ lam lũ đến người “gieo hạt” tri thức
Sinh năm 1936 tại xã Đức Lâm (nay là Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình trí thức nghèo đông con, cậu bé Thái Trần Bái đã sớm thấm thía nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Ông từng kể lại: những năm 1953, sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại Trường Phan Đình Phùng, ông phải phụ giúp cha mẹ bằng việc làm nón bán, gánh cá từ Cửa Sót đi bộ hàng chục cây số lên chợ Bộng (Hương Sơn) để bán.
Thế nhưng chính hoàn cảnh nghèo khó đã rèn giũa nơi ông ý chí, bản lĩnh và lòng khát khao tri thức. Ra đến Hà Nội đầu năm 1954, ông làm gia sư kiếm sống và thi đỗ cả hai trường Đại học Y và Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi chọn ngành Sư phạm – vì lý do giản dị: học phí nhẹ hơn.
Một đời “trồng người” và phụng sự tri thức
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc vào cuối năm 1957, ông được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – khởi đầu cho hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu. Từ 1961 đến 1965, ông được cử sang Liên Xô học tập nâng cao trình độ.
 |
Cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái thời còn đi học |
Trở về trong bối cảnh chiến tranh, ông là người tổ chức, chỉ đạo và cùng sinh viên dựng lớp học tránh bom, đắp hầm chữ A, dựng phòng thí nghiệm nơi sơ tán. Không chỉ thế, ông cùng GS Hoàng Đức Nhuận biên soạn hai tập giáo trình Động vật học không xương sống – tài liệu nền tảng cho đào tạo ngành sinh học tại Việt Nam nhiều năm sau.
Từ năm 1972, ông bắt đầu hướng nghiên cứu về giun ít tơ nước ngọt – lớp giun đốt không có chi bên – và sau đó là giun đất, sán tua đầu, giun tròn… Những hướng đi này đã trở thành chuyên ngành xuyên suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông.
 |
Giáo trình Động vật không xương sống do Cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái đồng chủ biên |
Năm 1983, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU) với đề tài về hệ thống học, khu hệ và địa lý động vật học của giun đất Việt Nam – đánh dấu công trình nghiên cứu toàn diện nhất về giun đất ở Việt Nam thời bấy giờ. Nhiều loài giun đất mới thuộc giống Pheretima được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Sau đó, ông giữ cương vị Chủ nhiệm khoa Sinh – Kỹ thuật Nông nghiệp và rồi là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong vai trò quản lý, ông đề cao nguyên tắc “liêm chính khoa học”, yêu cầu luận văn, luận án phải đảm bảo chất lượng thực chất.
TS Võ Thế Quân, nguyên Trưởng phòng Quản lý khoa học của trường, nhận xét:
“Giai đoạn này, thầy Bái có đưa ra một yêu cầu rất là quan trọng – đó là nâng cao chất lượng các luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ theo nguyên tắc liêm chính khoa học, tức là đòi hỏi tính trung thực cao. Chính vì vậy, Trường ĐHSP trở thành một trung tâm đào tạo sau đại học rất có uy tín ở Việt Nam.”
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo – cũng nhận định:
“Cố Giáo sư Thái Trần Bái là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và đã phát huy ảnh hưởng của mình. Ngoài tư cách một nhà khoa học, ông còn tham gia công tác quản lý, đóng góp rất nhiều cho nhà trường.”
Người khai mở ngành nghiên cứu động vật đất tại Việt Nam
Một dấu mốc lớn là năm 1987, ông sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Động vật đất – một trong những cơ sở đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu sâu về sinh thái, đa dạng sinh học của nhóm động vật này. Tại đây, ông và đồng nghiệp đã phát hiện 84 loài giun đất mới cho khoa học. Trung tâm cũng tham gia nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, và hợp tác quốc tế với Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
TS Võ Thế Quân đánh giá:
“Đây là một thành tựu khoa học quan trọng và được giới khoa học quốc tế thừa nhận.”
Mẫu sưu tập ở Trung tâm rất lớn, rất đa dạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Lào, Campuchia. Các cán bộ được đào tạo từ đây đã tỏa đi khắp các trường đại học, cao đẳng, cơ quan nghiên cứu trong nước và cả các nước bạn.
 |
Cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái chụp ảnh cùng những học trò. |
Bên cạnh nghiên cứu, cố Giáo sư còn tham gia đào tạo cán bộ cho Lào tại Sầm Nưa và hướng dẫn thành công luận án Tiến sĩ cho học trò Samphon Keungphachanh (năm 1990). Ông cũng từng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Mascara (Algeria) từ 1991 đến 1994.
Gương sáng mẫu mực của một nhà giáo
Cố Giáo sư Thái Trần Bái luôn cải tiến phương pháp giảng dạy – từ việc sử dụng tranh vẽ, ảnh chụp trực tiếp từ mẫu vật đến các đoạn phim minh họa – giúp sinh viên dễ tiếp thu, yêu thích môn học.
Trong hơn 60 năm làm nghề, ông đã công bố hơn 100 công trình khoa học, hướng dẫn 8 luận án Tiến sĩ, hàng chục luận văn Thạc sĩ. Với những đóng góp ấy, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010 – một sự ghi nhận xứng đáng cho hành trình bền bỉ và nhân văn.
 |
Cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái trong lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ của học trò. |
Ở tuổi 88, ông vẫn miệt mài viết sách, truyền lửa khoa học cho thế hệ sau. Ông tâm sự: “Hạnh phúc là được làm điều mình thích. Còn sức khỏe thì tôi vẫn cố gắng truyền tải tri thức cho học trò.” Ông vừa hoàn thiện cuốn sách Khu hệ giun đất Lào cùng TS Lâm Hải Đăng – một tài liệu giá trị cho ngành sinh học.
Cố GS Thái Trần Bái đã về cõi vĩnh hằng, nhưng ông vẫn là một hình tượng đẹp của người trí thức tận tâm, khiêm nhường, mẫu mực và sáng tạo. Ông ra đi nhưng ngọn lửa khoa học vẫn luôn cháy rực, soi sáng con đường nghiên cứu khoa học cho các thế hệ học trò tiếp bước.
Mời quý độc giả đón xem video do phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống phỏng vấn TS Võ Thế Quân - Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô - Hà Nội nói về người thầy, người đồng nghiệp của mình - cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái.
Trần Liên